Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách để khai thác tiềm năng bất động sản miền Trung

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 4, 12/01/2022 19:15

Miền Trung được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển nhiều loại hình bất động sản, song các quy định pháp luật còn nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông.

Điều kiện tự nhiên là một điểm mạnh

Chia sẻ tại diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành bất động sản miền Trung. Khi mà miền Trung vốn có lợi thế du lịch và nhiều tỉnh thành phát triển mạnh về du lịch nhưng sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực này chịu ảnh hưởng nặng, hàng loạt dự án đứng im, không thể vận động.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế miền Trung thời gian gần đây đang trên đà hồi phục với nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi dần trở lại tại khu vực này.

“Thanh Hoá khởi đầu và bùng nổ ghê gớm, vào sâu hơn nữa đến Đà Nẵng với lĩnh vực du lịch, logistics được bùng nổ mạnh mẽ. Tiếp sau đó là sự trở lại và bứt phát của Bình Định với những đợt trỗi dậy với những dự án lớn; Ninh Thuận cũng phát triển mạnh với năng lượng tái tạo và du lịch biển. Đặc biệt, Bình Thuận có sự phát triển của nhiều sự án lớn của các nhà đầu tư lớn”, ông Thiên chia sẻ.

Kinh tế vĩ mô - Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách để khai thác tiềm năng bất động sản miền Trung

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn.

Nhìn về tương lai phát triển của miền Trung, ông Thiên cho rằng, để thành công, Miền Trung nên có hướng riêng biệt so với các tỉnh thành khác. Nếu như Miền Bắc, Miền Nam ưu tiên phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp thì Miền Trung nên tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên, lấy du lịch thành hướng mũi nhọn phát triển, tạo điểm nhấn và dấu ấn riêng tại thị trường này.

Bổ sung thêm, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc C&W Việt Nam cho rằng, ngoài những tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng thì miền Trung còn rất nhiều tiềm năng có thể phát triển và khai thác trong tương lai.

Theo bà Trang, do kim ngạch xuất nhập khẩu ở miền Trung bắt đầu tăng trưởng, có những tỉnh, thành phố tăng trưởng theo chiều thẳng đứng trong ba năm trở lại đây. Vì thế trong tương lai, phần bất động sản công nghiệp, cũng như nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn phục vụ cho các chuỗi cung ứng sẽ bắt đầu có sự tăng trưởng ở khu vực này.

Nhưng đồng thời bà cũng nhấn mạnh, bất động sản nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn dù có nhiều tiềm năng phát triển, thì trong tương lai vẫn chỉ ở góc độ trung lập, nghĩa là dù có tiềm năng phát triển nhưng sẽ không thể mạnh mẽ được như thị trường miền Bắc và miền Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư dành cho loại hình sản xuất tại thị trường miền Trung vẫn còn nhỏ, nên cần một khoảng thời gian dài hơn để phát triển.

Một điểm mà bà Trang cho rằng trong thời gian tới cần được quan tâm nhiều và nghiên cứu sâu hơn nữa đối với miền Trung đó là tiềm năng tương lai đối với loại hình bất động sản hội nghị. Như vừa qua, Hội nghị APEC Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2017 ở miền Trung, mà tiềm năng này, miền Nam và miền Bắc chưa thể phát triển được.

Kinh tế vĩ mô - Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách để khai thác tiềm năng bất động sản miền Trung (Hình 2).

Hội nghị APEC Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2017 ở miền Trung.

Một tiềm năng nữa đối với khu vực miền Trung, theo bà Trang đó là bất động sản nghỉ hưu. Phân khúc này nhắm đến những người có thu nhập cao, mong muốn lựa chọn nơi có thiên nhiên và khí hậu phù hợp để sống khi về già - đây đều là những yêu cầu mà miền Trung hoàn toàn có thể đáp ứng được với những điều kiện vốn có tại nơi đây.

"Với những thuận lợi và các khó khăn kể trên, miền Trung còn rất phù hợp cho ngành sản xuất xanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn hướng tới để bảo vệ môi trường. Từ đó chúng ta sẽ có nhà kho xanh, nhà xưởng xanh và khu công nghiệp xanh, cùng với đầu tư lớn của VSIP- Amata - Sumitomo sẽ là những nhà đầu tư tập trung vào hướng này, mang lại những điểm tích cực thúc đẩy tiềm năng rất tốt cho khu vực miền Trung”, bà Trang đưa ra dự báo.

Cần khơi thông pháp lý cho thị trường

Thị trường bất động sản ngày nay phát triển hàng ngày hàng giờ với rất nhiều biến động không thể lường trước, vì vậy nếu không đẩy nhanh tháo gỡ các nút thắt về chính sách thì khó có thể bật dậy mạnh mẽ. Bà Trịnh Thu Trang, Giám đốc Tổng Công ty Đất Xanh Miền Trung cho rằng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vướng mắc trong quá trình kinh doanh bất động sản.

Theo đó, lấy dẫn chứng từ một số dự án ở ven biển Đà Nẵng, bà Trịnh Thu Trang chia sẻ theo quy định ban đầu các dự án này sẽ có sổ lâu dài nhưng về sau lại bị chuyển thành sổ có thời hạn. Giám đốc Tổng Công ty Đất Xanh Miền Trung cho biết đây là vấn đề khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, mang tâm lý e ngại và trăn trở khi đưa ra quyết định đầu tư vào dự án.

"Chúng ta cần cơ chế cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải linh hoạt hơn", bà Trang chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Đỗ Pháp cho biết, hiện nay, chúng ta vẫn chưa sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Điều này đang kìm chân sự trỗi dậy của mảng bất động sản tại cả nước nói chung và tại miền Trung nói riêng.

Theo ông, hành lang pháp lý về thị trường bất động sản đang bị rất nhiều luật chồng chéo bởi thị trường bất động sản không chỉ bị điều chỉnh bởi luật kinh doanh bất động sản mà lĩnh vực này phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…

Kinh tế vĩ mô - Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách để khai thác tiềm năng bất động sản miền Trung (Hình 3).

Luật sư Đỗ Pháp cho rằng, có thay đổi chính sách mới có thể phát triển.

“Thậm chí, thị trường bất động sản còn bị tác động bởi Luật Hình sự, Luật Dân sự nên khi áp dụng vào thực tiễn, thì rõ ràng các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là rơi vào thế bí. Cụ thể, những quy định của các luật này không bao giờ thống nhất mà quy định của Luật nào sẽ bảo vệ cho luật ấy, cho nên các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản cần phải hết sức thận trọng khi nghiên cứu, đặc biệt là khi áp dụng vào thực tiễn”, Luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.

Ông cho rằng chính những bất cập trong việc xây dựng và ban hành những luật lệ chồng chéo nói trên khiến cho thị trường bất động sản bị nhiễu loạn, giá bất động sản trên thị trường cũng vì thế mà tăng cao khó kiểm soát, môi trường cạnh tranh bất động sản trở nên thiếu tính lành mạnh, thậm chí phân tích sâu hơn thì làm "ghìm chân" sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Cùng với đó, cũng theo Luật sư Đỗ Pháp, để tháo gỡ điểm nghẽn này đòi hỏi không chỉ các chuyên gia, không chỉ đơn thuần là sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà còn là sự am hiểu pháp luật của từng chủ thể tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Chính các nhà đầu tư, tham gia vào mua bán bất động sản đều phải nắm chắc các điều luật đã và đang áp dụng, từ đó đưa ra những kiến nghị tức thời, chính xác và mang tính thực tiễn cao.

Luật sư Đỗ Pháp cho rằng: "Chúng ta cần phải sửa đổi. Có thay đổi mới có thể phát triển".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.