Thắp đèn dầu giữa lòng thành phố

Thắp đèn dầu giữa lòng thành phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Suốt 10 năm nay, người dân ở cụm Phượng Đình, khu dân cư Tường (phường Văn An, T.X Chí Linh, tỉnh Hải Dương) phải sống trong cảnh thiếu điện, việc sinh hoạt và sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dân thành phố 10 năm “khát” điện

Ông Mạc Văn Long, trưởng cụm Phượng Đình cho biết: Cụm dân cư Phượng Đình có tổng số 56 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Tuy nhiên, ngần ấy con người vẫn phải sống trong tình trạng thiếu điện trầm trọng, khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất gặp vô vàn khó khăn. Hiện tượng thiếu điện diễn ra thường xuyên, dân phải dùng đèn dầu thay điện thắp sáng cả tháng trời là chuyện hết sức bình thường.

Xã hội - Thắp đèn dầu giữa lòng thành phố

Người dân dùng bình ắc quy nạp điện để phòng

Bà Nguyễn Thị Sủng, trú tại cụm Phượng Đình, cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên mất điện. Chúng tôi phải thắp đèn dầu chiếu sáng để ăn cơm và sinh hoạt". Còn ông Phùng Đức Tường bức xúc: "Nhiều lúc, tôi phải sang khu phố khác để xin nhờ sạc bình ắc quy để có điện thắp sáng. Rất nhiều đêm, tôi mất giấc ngủ vì phải tranh thủ lúc nửa đêm khi điện khỏe để bơm nước sinh hoạt cho gia đình. Hơn nữa, khi không đi sạc được bình ắc quy, gia đình phải thắp đèn dầu đã gây ảnh hưởng rất lớn tới việc học của các con tôi".

Việc sản xuất và phát triển kinh tế của địa phương cũng gặp vô vàn khó khăn vì thiếu điện. Tháng 7/2010, địa phương còn được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là làng nghề sản xuất gạch không nung. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của người dân lại càng lớn. Tuy vậy, hệ thống trạm biến áp cũng như đường dây lại không được nâng cấp tương ứng. Nhiều gia đình sản xuất gạch cũng phải bỏ nghề. Có hộ thử sử dụng máy phát thay cho nguồn điện chính để duy trì việc sản xuất gạch, nhưng cũng chỉ “cầm hơi” được thời gian ngắn rồi "đầu hàng" vì lỗ.

Hiện nay, những gia đình có nguồn vốn kinh tế khá và quỹ đất đồi rộng rãi thì chuyển sang mô hình làm trang trại chăn nuôi. Còn những gia đình ít vốn và không có nhiều diện tích thì đều đi làm thuê để kiếm sống.

Mỏi mòn chờ điện

Trước đây, nguồn điện ở địa phương là do HTX dịch vụ điện nước phường Văn An trực tiếp quản lý. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên HTX này, nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện.

Xã hội - Thắp đèn dầu giữa lòng thành phố (Hình 2).

Nhiều người đã bỏ nghề sản xuất gạch không nung vì thiếu điện

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nam, chủ nhiệm HTX dịch vụ phường Văn An cho biết: "Tại mỗi phường có một công tơ tổng, Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương bán buôn cho các phường, sau đó phường bán lại cho người dân. Đúng là có tình trạng điện tại khu vực này yếu, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân. Đây thực sự là một vấn đề nan giải, khó có thể giải quyết một cách triệt để trong thời gian ngắn".

Ông Nam cho rằng, nguyên nhân điện yếu là do thiếu trạm biến áp. Trên toàn phường Văn An có tổng cộng 8 máy biến áp và tại khu dân cư Tường (với khoảng gần 300 hộ, với số dân khoảng 2000 người) chỉ có một máy. Do khoảng cách từ máy biến áp này tới các hộ dân phía sâu trong khu vực là tương đối xa, vì vậy, điện tải rất kém.

Theo ông Nam, để có thể giải quyết tình trạng thiếu điện này của người dân tại khu vực trên chỉ có cách đặt thêm một máy biến áp nữa để có thể rút ngắn quãng đường tải điện tới các hộ gia đình. Tuy vậy, trước đây do kinh phí còn hạn hẹp nên HTX chưa thể tăng thêm trạm biến áp cho khu dân cư Tường.

UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo các phường bàn giao việc quản lý điện lại cho Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương. Vì thế, năm 2011, HTX dịch vụ điện nước phường Văn An đã có văn bản bàn giao điện lại cho Cty TNHH NTV điện lực Hải Dương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Yên, giám đốc chi nhánh Điện lực Chí Linh (trực thuộc Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương) cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận quản lý nguồn điện tại phường Văn An từ ngày 20/10/2011. Trước đây, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương chỉ chịu trách nhiệm bán buôn điện cho các HTX dịch vụ điện nước phường tại công tơ tổng. Vì vậy, Công ty chỉ chịu trách nhiệm về việc quản lý nguồn điện và cơ sở hạ tầng từ công tơ tổng của các phường trở lên, còn cơ sở hạ tầng và nguồn điện từ HTX dịch vụ điện nước các phường tới hộ dân là do họ tự quản lý. Năm 2011, khi nhận bàn giao nguồn điện từ phường Văn An, Cty nhận nguyên trạng cơ sở hạ tầng. Về tình trạng điện yếu ở cụm dân cư Phượng Đình, phía Cty chưa nhận được bất cứ lá đơn hay sự phản ánh nào của người dân hay của phường Văn An khi bàn giao".

Ông Yên cho biết thêm: "Sắp tới, chúng tôi sẽ cử người trực tiếp xuống địa phương để khảo sát và kiểm tra tình hình. Nếu có tình trạng đó thì Công ty sẽ tìm hướng giải quyết để góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân".

Thế Tào