Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp chọn thương hiệu vàng miếng SJC sẽ thành thương hiệu vàng quốc gia SBV do Ngân hàng Nhà nước tiếp quản. Đằng sau quyết định này còn nhiều vấn đề khiến người dân và dư luận băn khoăn: Số phận của hơn chục thương hiệu vàng khác sẽ đi về đâu và người dân đang nắm giữ các thương hiệu vàng này sẽ được quy đổi thế nào; Quản lý vàng như quản lý tiền được quy về Ngân hàng Nhà nước liệu có dẹp loạn được thị trường vàng hay không? PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên - phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chất lượng vàng miếng được quản lý
- Thưa, ông bàn luận gì về thông điệp SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng Quốc gia?
Việc này thì quá tốt, bởi thương hiệu này đã chiếm 90% thị trường từ nhiều năm nay và được thị trường trong và ngoài nước công nhận. Ngân hàng Nhà nước đứng ra tiếp quản thương hiệu SJC và độc quyền sản xuất sẽ có nhiều mặt tích cực. Ngoài việc tránh được độc quyền doanh nghiệp (kinh doanh vì lợi nhuận) Ngân hàng Nhà nước còn dễ dàng can thiệp thị trường khi giá biến động mạnh.
Tiếp theo là giải quyết được cơ chế xin cho và cuối cùng là giám sát tốt chất lượng vàng miếng (tất cả đều gia công cho Ngân hàng Nhà nước và do cơ quan này kiểm tra chất lượng). Ngân hàng Nhà nước đã độc quyền về việc in tiền thì nay độc quyền về sản xuất vàng miếng là điều hoàn toàn hợp lý.
- Vậy chuyện tách bạch kinh doanh vì lợi nhuận và việc gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện là công ty của Nhà nước, việc trưng dụng thương hiệu SJC và việc tách bạch kinh doanh, quản lý lỗ lãi của doanh nghiệp khi về trực thuộc Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo luật. Đứng về việc sở hữu thì SJC là thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước lựa chọn doanh nghiệp nào trên cơ sở đã cân nhắc kỹ thì doanh nghiệp ấy được gia công vàng.
- Thế còn những người dân đang sở hữu những thương hiệu vàng khác thì sao?
Chọn thương hiệu SJC người dân đã chọn rồi, Nhà nước làm như vậy không gây khó khăn gì cho dân cả. Ở đây Nhà nước cũng không chọn hộ người dân để SJC thành thương hiệu vàng Quốc gia mà chỉ căn cứ vào tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định thôi. SJC đã là thương hiệu Nhà nước chiếm 90% thị phần thì nay Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thương hiệu này là hoàn toàn hợp lý. Điều này không ảnh hưởng gì đến giá trị của vàng mà người dân đang sở hữu.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Kiên - phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
- Vậy khi người dân muốn chuyển đổi thương hiệu vàng đang giữ sang thương hiệu vàng quốc gia sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp vàng khác nên công bố chất lượng vàng của mình, gồm thành phần, tuổi vàng, công nghệ... trên cơ sở đó so sánh với công nghệ của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ tiến hành chuyển đổi. Việc chuyển đổi vàng này được thực hiện ở nhiều năm sau. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định khi có điều kiện sẽ chuyển thương hiệu SJC thành SVB và sẽ chuyển đổi cho người dân.
Các thương hiệu khác không nên "tị nạnh" với SJC
- Trước những phàn nàn của các doanh nghiệp sản xuất thương hiệu vàng miếng khác về đầu tư dây chuyền dập vàng, gây dựng thương hiệu giờ bị xóa sổ. Vậy giải quyết chuyện này như thế nào thưa ông?
Nếu như các doanh nghiệp vàng này muốn gia công thương hiệu SJC thì phải làm việc cho Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay tuổi vàng ở mỗi thương hiệu chỉ công nhận cho việc mua bán trong doanh nghiệp của họ, trừ SJC được trao đổi rộng khắp. Người dân không lo ngại tuổi vàng của thương hiệu SJC. Hơn nữa, các doanh nghiệp khác cũng không nên “tị nạnh” với SJC vì đây là hình thức chủ đầu tư, chủ sở hữu lựa chọn thương hiệu vàng.
- Có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang làm khó các thương hiệu vàng khác, gây tổn thất kinh tế cho họ. Ông nghĩ sao về điều này?
Hơn 10 năm Nhà nước không làm khó các thương hiệu này sao họ không phát triển được mà chỉ có SJC phát triển. Thực tế, 14 thương hiệu vàng khác chỉ chiếm 10%, mỗi “ông” chưa chiếm quá 1%. Như vậy, cho thấy chuyện ảnh hưởng đến họ chẳng đáng kể và các doanh nghiệp này sẽ bình tĩnh lại thôi. Các doanh nghiệp khác không phát triển được sẽ tự chịu rủi ro trong kinh doanh.
![]() |
Các thương hiệu khác không nên "tị nạnh" với SJC |
- Việc thực hiện quản lý và độc quyền thị trường vàng về Ngân hàng Nhà nước, tương lai có giảm được vàng hóa nền kinh tế vào đầu cơ tích trữ hay không?
Thời điểm này, cách làm trên của thống đốc Ngân hàng là hoàn toàn đúng nhưng đây cũng chỉ là một trong những giải pháp tình thế nhằm kiểm soát tốt thị trường vàng. Còn vấn đề mấu chốt và lâu dài để giảm dần vàng hóa nền kinh tế vẫn là phải làm cho lạm phát giảm xuống mức thấp, đồng Việt Nam có giá trị cao thì tất yếu việc đầu cơ tích trữ vàng sẽ tự dập tắt.
- Như vậy, theo ông, việc phân phối, lưu thông vàng trên thị trường có nên siết chặt hay quy tất cả về đầu mối của Ngân hàng Nhà nước?
Tôi nghĩ khâu phân phối vàng miếng cũng nên được nới lỏng hơn. Vì khi Ngân hàng Nhà nước đã công nhận quyền giữ vàng của người dân thì phải tạo điều kiện cho những người có nhu cầu sở hữu vàng được mua bán dễ dàng. Nếu không sẽ dẫn đến việc hình thành thị trường ngầm, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu vàng bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến tỷ giá.
Xin cảm ơn ông!
Vương Hà