Thầy Nguyễn Văn Khai (38 tuổi) là giáo viên dạy môn Toán, tại trường THPT Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Bắt đầu từ ngày 7/2, khi sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho học sinh toàn tỉnh nghỉ để phòng dịch Covid – 19, thì thầy Khai cũng chính thức lên kế hoạch quay video nội dung bài giảng để đưa lên Youtube.
Giải thích về việc này, thầy Khai nói: “Tôi lo học sinh vừa nghỉ Tết xong lại nghỉ thêm nhiều ngày thì lơ là kiến thức nên muốn giúp các em ôn bài mà không bị nhàm chán khi phải chăm chú vào sách giáo khoa”.
Thực ra, thầy Khai đã ấp ủ về ý định làm video để giảng bài trực tuyến cho học trò cách đây hơn 1 năm, khi xem clip dạy học của đồng nghiệp trên mạng Internet. Vì vậy, thời gian quan, thầy đã thử tập giảng, quay, dựng clip… sao cho học sinh dễ nghe, dễ hiểu. Thầy Khai dự định sẽ thực hiện khi ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia, nhưng vì dịch Covid – 19 nên kế hoạch được đẩy lên sớm hơn.
Video được quay tại nhà riêng của thầy. Đầu tiên, thầy Khai chuẩn bị kỹ giáo án như một buổi lên lớp. Không có máy quay phim chuyên dụng, thầy tận dụng chiếc điện thoại cá nhân và một chân máy. Ướm sẵn góc máy để bật chế độ ghi hình, thầy giáo bắt đầu giảng bài mà không có học trò.
Thầy quay mỗi video khoảng 20-25 phút, rồi cặm cụi chỉnh sửa bằng những kiến thức đã biết. Tiếp đó, thầy đăng lên tài khoản Youtube rồi báo qua nhóm chat với học sinh 3 lớp khối 11 mà thầy đang dạy tại trường vào xem.
“Kiến thức truyền tải trong mỗi video chủ yếu là cũ thông qua các dạng bài tập để các em trau dồi hoặc chữa bài tập đã giao. Clip đưa lên, dù người xem không đông như nhiều clip giải trí khác nhưng tôi cũng đã rất hài lòng vì đã nhận được tương tác của hầu hết học sinh trong trường do mình đứng lớp”, thầy Khai nói.
Theo thầy giáo 8X, khác với đứng lớp giảng bài sẽ có tương tác qua lại giữa thầy và trò thì việc đứng một mình trước máy quay sẽ trống trải. Để khắc phục, thầy hạn chế dùng các câu hỏi mà tập trung vào diễn giải vấn đề. Sau 5 ngày, thầy Khai đã hoàn thiện được 3 video và dự kiến tiếp tục làm trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch. Thầy cũng dự định mua thêm thiết bị để phát trực tiếp nội dung bài giảng qua mạng xã hội, tạo tương tác với học sinh.
Thầy Khai cũng chia sẻ thêm sẽ cố gắng thực hiện và duy trì lớp học trực tuyến đến những năm sau. Trong đó, các bài giảng sẽ phù hợp với khả năng tiếp nhận, mặt bằng chất lượng học sinh vùng miền núi khó khăn.
Việc dạy trực tuyến rất ý nghĩa, là một kênh kiến thức tham khảo mà các em có thể lưu, xem đi xem lại nhiều lần nếu chưa hiểu bài. Mặt khác học trò vùng cao, dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hầu hết không có điều kiện học thêm ngoài nhà trường.
Em Hồ Đình Trung, lớp 11A1, trường THPT Quế Phong cho biết: “Em đã xem hết các video thầy hướng dẫn và nhận thấy rất bổ ích, giúp nắm thêm kiến thức. Hiện không chỉ học sinh lớp thầy trực tiếp giảng dạy tại trường mà nhiều học sinh các lớp khác trong và ngoài trường cũng chia sẻ video để học”.
Sau khi xem video mà thầy Khai đăng lên Youtube, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá cao nhiệt huyết, cách làm của thầy Khai. “Hành động của thầy Khai rất bổ ích, đặc biệt là trong thời gian các em đang nghỉ để phòng dịch Covid-2019. Sở khuyến khích thầy cô làm tương tự hoặc các sáng tạo khác để truyền tải kiến thức tới học sinh”, ông Khoa nói thêm.