Trong y học cổ truyền, có rất nhiều vị thuốc quý đều bắt nguồn từ những loài cây mọc dại. Vì vậy, chỉ cần tìm hiểu và để ý một chút, bạn sẽ có thể dễ dàng tìm thấy “báu vật” trong rừng, bên bờ suối hay trên những bãi cỏ mọc hoang.
Điển hình như loài cỏ dại có tên “cốc tinh thảo” dưới đây, thoạt nhìn chẳng khác biệt nhiều với cây dại thông thường nhưng bên trong ẩn chứa giá trị cực lớn. Điểm nhận dạng đặc biệt của chúng chính là những bông nhỏ li ti trắng muốt mọc trên thân, nhìn từ xa giống như những bông tuyết hay viên ngọc trai “mọc” trên cỏ.
Tại Trung Quốc, chúng còn được gọi với tên gọi khác là “cỏ trân châu”. Chúng thường mọc nhiều ở ven sông, vùng ao hồ, phân bố rộng khắp ở hầu hết các tỉnh thành của nước này. Ví dụ như Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên hay Quý Châu.
Tại Việt Nam, cốc tinh thảo mọc phổ biến nơi đất ruộng ẩm ướt ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Người Việt coi đây là một vị thuốc quý hỗ trợ tản nhiệt, sáng mắt. Tương tự, ở đất nước tỉ dân, cốc tinh thảo cũng được dùng làm dược liệu với giá bán khoảng 18 NDT (58.500đ)/kg. Nếu bán riêng phần bông trắng thì giá bán có thể lên tới 30 - 40 NDT (97.600 - 130.000đ)/kg. Ở Việt Nam, cốc tinh thảo khô có giá bán dao động từ vài chục nghìn cho tới hơn trăm nghìn đồng/100g.
Phần dùng làm thuốc thường là hoa và cuống hoa. Người ta sẽ thu hái vào tháng 9, phơi khô để sử dụng. Do thành phẩm dễ bị mốc, nát và ẩm mốc nên phải lưu ý khi bảo quản.
Trong Đông y, vị thảo dược này có vị ngọt, hơi cay, tính bình có hơi lạnh, không có độc. Người ta thường sử dụng cốc tinh thảo kết hợp cùng một số vị dược liệu khác để điều chế thành thuốc hỗ trợ điều trị nhức đầu, chảy máu cam, quáng gà và nhiều bệnh khác về mắt.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)