Nga cho biết sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị vào ngày 31/3 để các công ty nước ngoài thanh toán cho việc mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Điều này làm dấy lên quan ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung vì các quốc gia phương Tây cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu chuyển đổi tiền tệ của Moscow, Reuters đưa tin.
Hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các quốc gia “không thân thiện”, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow, phải thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Quyết định trên của ông Putin đã thúc đẩy đồng tiền này sau khi giá trị của nó giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại do hậu quả của việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Moscow để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
“Không ai cung cấp khí đốt miễn phí, điều đó đơn giản là không thể, và quý vị chỉ có thể mua nó với đồng rúp’, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 29/3.
Chủ tịch Thượng viện Nga, Valentina Matviyenko, cho biết Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp châu Âu từ chối mua năng lượng của Nga và có thể chuyển hướng cung cấp sang các thị trường châu Á và những thị trường khác, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu tiếp tục tăng trong tuần này do lo ngại nguồn cung có thể ngừng chảy, mặc dù Nga cho đến nay vẫn đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với việc bán khí đốt cho châu Âu, Reuters cho biết.
Ông Peskov cho biết, tuân theo thời hạn 31/3 do ông Putin đặt ra cho các khoản thanh toán bằng đồng rúp, "tất cả các phương thức đang được phát triển để hệ thống này đơn giản, dễ hiểu và khả thi đối với khách mua châu Âu và quốc tế".
Các nước G7 kêu gọi các công ty không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp, và cho biết hầu hết các hợp đồng cung ứng đều quy định đồng Euro hoặc USD.
"Chúng tôi chia sẻ quan điểm đó", một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết trong một cuộc họp báo tại Brussels hôm 29/3.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết, họ đang đánh giá các kịch bản, trong đó bao gồm kịch bản nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngừng hoàn toàn vào mùa đông tới, như một phần trong kế hoạch dự phòng cho các cú sốc nguồn cung.
Thay thế khí đốt của Nga vẫn là thách thức
Châu Âu nhận khoảng 40% lượng khí đốt từ Nga. Châu lục này nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí năm 2021.
Trong hơn 50 năm, kể cả trong Chiến tranh Lạnh, Moscow vẫn đảm bảo nguồn cung cho Đức – nền kinh tế hàng đầu của châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt từ Nga, trang Euractiv cho biết. Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom có hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các đối tác châu Âu.
Yêu cầu của ông Putin đã làm dấy lên lo ngại ở Đức về khả năng gián đoạn và ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và hộ gia đình ở nước này nếu các công ty dịch vụ tiện ích không thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Hiệp hội các công ty dịch vụ tiện ích của Đức (BDEW) đã thúc giục chính phủ thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Nếu không có nguồn cung từ Nga, nền kinh tế Đức phải đối mặt với "những thiệt hại nghiêm trọng mà đáng ra cần phải tránh bằng bất kỳ cách nào có thể", Leonhard Birnbaum, CEO của E.ON SE – nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu – nói với truyền hình Đức rằng, nước này cần 3 năm để độc lập với khí đốt của Nga.
Trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, ông cho biết, cơ quan quản lý mạng lưới khí đốt của Đức sẽ ưu tiên sưởi ấm cho các ngôi nhà thay vì sử dụng trong công nghiệp, vì vậy các ngành sản xuất thâm dụng năng lượng như sản xuất thép sẽ chịu gánh nặng ban đầu của bất kỳ việc cắt giảm nguồn cung nào.
Dữ liệu từ Cơ quan Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu (GIE) cho thấy, các địa điểm lưu trữ khí đốt của EU hiện chỉ có tỉ lệ lấp đầy 26%. Điều này nhấn mạnh thách thức trong việc tìm nguồn cung thay thế Nga.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất luật yêu cầu các nước EU lấp đầy kho dự trữ ít nhất 80% trong năm nay.
Markus Krebber, CEO của RWE – công ty dịch vụ tiện ích lớn nhất của Đức và là một khách hàng của Gazprom – cho biết, Đức chỉ có thể đối phó với việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga trong một thời gian rất ngắn.
Người đứng đầu mạng lưới truyền tải khí đốt của Ukraine cũng cho biết, Ukraine, nơi có một số đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đi qua, cần tích lũy 17 tỷ m3 khí đốt cho mùa đông tới vào cuối tháng 10 này, đồng thời cho rằng điều này sẽ rất khó khăn.
Một nhà phân tích của Refinitiv đã viết trong một báo cáo rằng, kho dự trữ của EU sẽ ở mức 23% vào ngày 1/10 nếu nguồn cung của Nga bị ngừng hoàn toàn trong suốt mùa hè và không có thêm nguồn cung bổ sung.
"Các mức (dự trữ) này là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh nguồn cung năng lượng ở châu Âu", các nhà phân tích nói, cho biết thêm rằng lượng dự trữ có thể đạt 58% (vẫn là mức rất thấp) nếu việc truyền khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Tây Bắc châu Âu được tối đa hóa và khối lượng nhập khẩu đường ống từ các nhà cung cấp thay thế tăng lên.
Mỹ và EU gần đây đã ký một thỏa thuận về việc Mỹ cung cấp 15 tỷ m3 LNG trong năm nay. Nhưng điều đó vẫn không thể thay thế hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Minh Đức (Theo Reuters, Euractiv)