Thế giới 24h: EU phê duyệt gói trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Nga

Thứ 6, 18/07/2025 03:52

Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga với các biện pháp cứng rắn nhắm trực diện vào ngành dầu khí.

img

Bà Kaja Kallas, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại EU. Ảnh: Reuters

EU tung đòn mạnh tay vào dầu mỏ Nga

Các nước EU ngày 18/7 đã chính thức phê chuẩn gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó bao gồm cả việc hạ trần giá dầu xuất khẩu của Nga.

"EU vừa phê chuẩn một trong những gói trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm vào Nga”, bà Kaja Kallas, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại EU, tuyên bố.

"Mỗi biện pháp trừng phạt đều làm suy yếu khả năng tham gia xung đột của Nga. Thông điệp rất rõ ràng: Châu Âu sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine. EU sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi Nga chấm dứt xung đột”, bà Kallas nói thêm.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot viết trên mạng xã hội X: "Cùng với Mỹ, chúng tôi sẽ buộc ông Putin phải ngừng bắn”.

Ông Barrot gọi gói trừng phạt thứ 18 là "chưa từng có tiền lệ".

Đây là gói trừng phạt thứ 18 mà EU áp đặt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Việc thông qua gói biện pháp lần này diễn ra sau khi Slovakia – quốc gia được cho là thân Nga – rút lại quyền phủ quyết.

Theo France24, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người có quan điểm thân Nga, đã rút lại phản đối sau khi Brussels cam kết sẽ đưa ra "đảm bảo" về giá khí đốt, trong bối cảnh EU đang lên kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng Nga trước cuối năm 2027.

Nga chưa lên tiếng về gói trừng phạt mới của EU. Hồi tháng 5, ông Putin tuyên bố nước Nga hoàn toàn có thể tự cung tự cấp trong điều kiện hiện đại, bất chấp áp lực từ bên ngoài. Tổng thống Nga kêu gọi người dân không nên sợ hãi trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow.

Đức phủ nhận thông tin Patriot đang trên đường tới Ukraine

img

Ông Trump công bố kế hoạch NATO mua vũ khí Mỹ và chuyển cho Ukraine trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte vào ngày 14/7 ở Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images.

Trả lời đài phát thanh công cộng Thụy Sĩ SRF, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết: “Tôi không thể xác nhận rằng có vũ khí đang trên đường đến Ukraine. Tôi không biết điều đó”.

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump nói rằng một số tổ hợp Patriot từ Đức đang được vận chuyển đến Ukraine và Đức sẽ nhận được các hệ thống Patriot mới do Mỹ cung cấp.

Ông Trump nói: “Các hệ thống Patriot đang trên đường vận chuyển cho Ukraine. Chúng đến từ Đức và Berlin sẽ nhận được hệ thống thay thế do Mỹ cung cấp”.

Kế hoạch hỗ trợ vũ khí mới của ông Trump cho Ukraine đã gây bất ngờ cho nhiều nước đồng minh trong NATO. Theo Reuters, một số nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận họ không được thông báo trước và chỉ biết về sáng kiến này khi ông Trump công bố. 

Một nhà ngoại giao châu Âu nói thẳng: “Cảm nhận rõ ràng của tôi là không ai được thông báo trước về các chi tiết cụ thể. Tôi cũng nghi ngờ rằng Mỹ hiện nay mới bắt đầu tìm cách cụ thể hóa sáng kiến này”.

Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump nêu tên 6 quốc gia gồm Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Canada là những nước sẵn sàng tham gia chương trình này.

Một số quốc gia tỏ ra ủng hộ bước đầu. Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói trước thềm cuộc họp của Liên minh châu Âu: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia”.

Iran tìm ra lỗ hổng phòng không của Israel trong 12 ngày xung đột.

Tờ Wall Street Journal ngày 17/7 dẫn phân tích của giới chuyên gia, cho biết Iran đã tìm ra cách cải thiện hiệu quả tấn công và vượt qua hệ thống phòng không của Israel trong cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vào tháng trước. Bằng cách điều chỉnh chiến thuật phóng tên lửa và rút kinh nghiệm qua từng đợt tấn công, Iran dần nhận diện được điểm yếu trong mạng lưới phòng thủ của đối phương.

Trong giai đoạn đầu, chỉ 8% số tên lửa của Iran có thể vượt qua lá chắn phòng không của Israel. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 16% vào nửa sau của cuộc xung đột, theo dữ liệu của Viện An ninh Quốc gia Do Thái tại Washington (JINSA). Ngày 22/6, hai ngày trước khi đạt được lệnh ngừng bắn, Iran có đợt tấn công hiệu quả nhất với 10/7 tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Giới phân tích cho biết Iran đã điều chỉnh thời gian phóng, dàn trải mục tiêu và chuyển từ các đợt tấn công ban đêm quy mô lớn sang những loạt tên lửa nhỏ vào ban ngày. Tehran cũng sử dụng các điểm phóng sâu trong nội địa, đồng thời triển khai tên lửa có tầm bắn xa và độ chính xác cao sớm hơn trong chiến dịch, do các bệ phóng tầm ngắn dễ bị Israel tiêu diệt từ đầu.

Đáng chú ý, các hình ảnh mảnh vỡ tên lửa cho thấy Iran có thể đã sử dụng loại tên lửa siêu vượt âm Fattah-1 ít nhất tại hai mục tiêu ở Israel. Loại tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh, mang đầu đạn tách rời giữa không trung, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine bất ngờ không sang Mỹ

Ngày 17/7, truyền thông Ukraine đưa tin, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia – một cơ quan cố vấn quan trọng của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước đó, ông Umerov được kỳ vọng sẽ trở thành đại sứ Ukraine tại Mỹ, song phương án này đã bị rút lại.

Hiện không rõ lý do dẫn đến sự thay đổi vào phút chót này. Ông Umerov là nhân vật thân cận của Chánh văn phòng Andriy Yermak – người quyền lực số 2 ở Ukraine. Ông Yermak thời gian gần đây liên tục làm mất lòng Washington, đặc biệt là trong chuyến thăm Mỹ vào đầu tháng 6.

Thay vào đó, cựu Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna được bổ nhiệm làm đặc phái viên đặc biệt tại Mỹ, trong khi chờ Washington phê duyệt tư cách đại sứ chính thức. Tổng thống Volodymyr Zelensky viết trên mạng xã hội rằng bà Stefanishyna sẽ “duy trì đà quan hệ với Mỹ” trong quá trình hoàn tất thủ tục ngoại giao.

Nếu ông Umerov làm người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, ông Oleksandr Lytvynenko – người đang giữ vị trí này, có thể chuyển sang vai trò công tác ngoại giao với tư cách là Đại sứ tại Serbia.

Người thay thế ông Umerov trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng dự kiến sẽ là cựu Thủ tướng Denys Shmyhal. Một ngày trước, ông Shmyhal đã từ chức Thủ tướng theo quy trình.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.