Ông Putin - ông Trump xác nhận có cuộc điện đàm mới (ảnh: Sputnik)
Ông Putin điện đàm lần thứ 4 với ông Trump
Tổng thống Nga Putin đưa ra thông báo điện đàm khi đang tham dự một cuộc triển lãm ở Moscow về các thương hiệu Nga mới nổi, đồng thời cho biết ông “chắc chắn sẽ đề nghị ông Trump sử dụng các tài liệu (trong cuộc triển lãm) để quảng bá trên thị trường Mỹ”.
RT đưa tin, ông Trump đã xác nhận kế hoạch điện đàm với ông Putin. Cuộc gọi sẽ diễn ra vào lúc 14h theo giờ GMT, tức 21h theo giờ Hà Nội.
Trước đó, giới chức ngoại giao Nga – Mỹ không tiết lộ về kế hoạch điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong cuộc triển lãm hôm 3/7, Tổng thống Nga đã đề nghị một số người gợi ý về câu hỏi mà ông có thể đặt ra cho người đồng cấp Mỹ. Một vị khách mời cho rằng ông Putin có thể trao đổi về chủ đề phim ảnh với ông Trump, để làm sáng tỏ những giá trị văn hóa giữa hai quốc gia.
Kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2025, ông và ông Putin đã có ít nhất 5 cuộc điện đàm chính thức, chủ yếu xoay quanh vấn đề giải quyết xung đột ở Ukraine.
Nội các mới của Thái Lan tuyên thệ nhậm chức
Ông Phumtham Wechayachai ngày 3/7 đã tuyên thệ nhậm chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Ảnh: The Nation
Theo The Nation Thailand, các thành viên nội các mới của Thái Lan đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/7, bao gồm cả bà Paetongtarn Shinawatra – người vừa bị đình chỉ chức vụ thủ tướng và đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm chuẩn mực đạo đức liên quan đến nội dung cuộc điện đàm với ông Hun Sen bị rò rỉ.
Bà Paetongtarn bị đình chỉ ngày 1/7, cùng ngày quốc vương Thái Lan phê chuẩn danh sách nội các mới, trong đó bà được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Văn hóa.
Khi đến Nhà Chính phủ để tham gia lễ tuyên thệ cùng các thành viên nội các mới ngày 3/7, bà Paetongtarn tươi cười nhưng từ chối trả lời báo chí.
Quyền Thủ tướng Suriya Jungrungreangkit - người nắm giữ vị trí này trong 1 ngày - dẫn đầu phái đoàn nội các mới đến làm lễ nhận chiếu chỉ phê chuẩn từ Quốc vương Maha Vajiralongkorn ngày 3/7.
Theo AFP, khi cựu Bộ trưởng quốc phòng Phumtham Wechayachai tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ, ông Phumtham cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng, có cấp bậc cao hơn ông Suriya - đồng nghĩa với việc ông Phumtham nắm giữ chức vụ quyền Thủ tướng Thái Lan. Điều này dựa theo quy định của Thái Lan về việc việc phân công các phó thủ tướng làm quyền thủ tướng trong trường hợp thủ tướng không thể thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội chiều 3/7, chính phủ Thái Lan thông báo, nội các mới đã phê duyệt vai trò thủ tướng tạm quyền của ông Phumtham tại cuộc họp đầu tiên. Ông Phumtham giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng kể từ khi bà Paetongtarn nhậm chức hồi năm ngoái.
Theo trang PBS, người được chỉ định giữ quyền thủ tướng sẽ có toàn bộ thẩm quyền như thủ tướng chính thức, bao gồm quyền chủ tọa các ủy ban và tổ chức mà thủ tướng làm chủ tịch.
Theo SCMP, ông Phumtham là trụ cột của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) và được xem là người thân tín với gia tộc Shinawatra. Trước đây, ông từng giữ nhiều chức vụ cấp cao trong nội các, bao gồm Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Quốc phòng, và đã đảm nhận vai trò quyền thủ tướng trong 3 ngày vào năm ngoái sau khi Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm ông Srettha Thavisin khi đó còn là thủ tướng.
Việc ông Phumtham đảm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ trong đợt cải tổ nội các lần này đã đưa ông lên vị trí cao hơn trong thứ bậc nội các so với ông Suriya, theo quy định về thứ tự kế nhiệm trong Hiến pháp Thái Lan – vốn ưu tiên các bộ trưởng theo mức độ quan trọng của chức danh họ nắm giữ.
Bà Paetongtarn đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng tăng sau cách xử lý tranh chấp biên giới với Campuchia, bắt nguồn từ vụ đụng độ vũ trang hồi tháng 5 khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Trong một cuộc điện đàm bị rò rỉ với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, bà Paetongtarn đã tìm cách làm dịu căng thẳng – nhưng kết quả lại là chuỗi phản ứng dữ dội và các cuộc biểu tình công khai.
Hôm 1/7, tòa án Hiến pháp Thái Lan đã nhất trí thông qua việc xem xét đơn kiện bà Paetongtarn vi phạm đạo đức, đồng thời ra quyết định với tỷ lệ 7–2 về việc đình chỉ công tác của bà ngay lập tức trong lúc chờ phán quyết chính thức. Tòa án cho bà 15 ngày để nộp bằng chứng bảo vệ mình, song chưa rõ khi nào sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Kiev “khó chịu” khi Mỹ dừng gửi vũ khí
Ukraine đang cần thêm đạn cho các hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ (ảnh: Peter Mueller/Bundeswehr)
Hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Kiev chưa nhận được thông báo chính thức nào từ Washington hay Lầu Năm Góc về việc dừng hoặc trì hoãn gửi các lô vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine.
“Phía Ukraine ghi nhận một số báo cáo rằng có sự chậm trễ trong việc cung cấp các lô vũ khí từ Mỹ. Chúng tôi hiện đang xác minh và tìm hiểu tình hình thực tế liên quan đến những lô hàng này”, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo.
Trước đó, hôm 1/7, Nhà Trắng xác nhận thông tin Mỹ sẽ tạm dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm nhiều loại đạn pháo và tên lửa phòng không.
“Quyết định này nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, sau khi Bộ Quốc phòng đánh giá lại mức độ hỗ trợ quân sự của chúng ta đối với các quốc gia trên toàn cầu”, phát ngôn viên Nhà Trắng – bà Anna Kelly – nói.
Trong thông báo hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, họ đang làm rõ thông tin và kêu gọi công chúng bình tĩnh, chỉ tin tưởng vào nguồn tin chính thống.
“Điều rất quan trọng với Ukraine là duy trì sự ổn định, tính liên tục và khả năng biết trước thông tin liên quan đến việc cung cấp viện trợ quân sự theo thỏa thuận. Đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực phòng không”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, nhấn mạnh rằng các đối tác cần “gây sức ép chung” nhằm vào Nga để xung đột sớm chấm dứt.
Cùng ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Phó Đại sứ Mỹ tại Kiev – ông John Ginkel – để nhấn mạnh “tầm quan trọng đặc biệt” đối với nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ trong bối cảnh quân đội Nga tăng sức ép trên chiến trường.
“Bất kỳ sự chậm trễ hay do dự nào sẽ chỉ khuyến khích đối phương tiếp tục cuộc chiến”, Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo.
Ông Fedir Venislavskyi – thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng Ukraine – cho rằng, việc Mỹ trì hoãn gửi viện trợ vũ khí là “rất khó chịu” đối với Kiev.
“Thật đau đớn. Và trong bối cảnh Nga đẩy mạnh tấn công, đây là tình huống rất khó chịu đối với chúng tôi”, ông Venislavskyi nói với báo giới.
Reuters hôm 2/7 dẫn 2 nguồn thạo tin cho hay, Lầu Năm Góc lo ngại về việc lượng vũ khí dự trữ trong kho đã trở nên quá thấp, bao gồm cả các loại đạn pháo và tên lửa phòng không.
Từ Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hoan nghênh động thái của Mỹ và cho rằng: “Càng ít vũ khí được gửi cho Ukraine, thì chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm kết thúc”.
Hamas bác bỏ đề xuất của ông Trump
Hôm 2/7, Hamas tuyên bố sẵn sàng ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Israel nhưng không chấp nhận đề xuất do Tổng thống Mỹ Donald Trump hậu thuẫn.
Người dân ở Dải Gaza mong chờ lệnh ngừng bắn mới giữa Hamas và Israel (ảnh: Reuters)
Trước đó, hôm 1/7, ông Trump cho biết Israel đã đồng ý một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày và thúc giục Hamas chấp nhận trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Trump, lệnh ngừng bắn này sẽ hướng tới chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, Hamas tỏ ra nghi ngờ về điều này.
Taher al-Nunu, quan chức cấp cao của Hamas, hôm 2/7 cho biết, lực lượng này “sẵn sàng và nghiêm túc trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn”.
“Nhưng Hamas chỉ chấp nhận sáng kiến nào có thể dẫn tới chấm dứt hoàn toàn xung đột”, ông al-Nunu nói.
Một phái đoàn Hamas dự kiến sẽ tới Cairo (Ai Cập) để thảo luận thêm về đề xuất ngừng bắn.
Ông Trump cảnh báo bắt giữ ứng viên Thị trưởng New York
Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng ông Zohran Mamdani - ứng viên tranh cử Thị trưởng New York của đảng Dân chủ - có thể bị bắt giữ nếu thực hiện cam kết ngăn cản giới chức liên bang truy tìm và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp ở New York, RT hôm 2/7 đưa tin.
Trước đó, hôm 30/6, ông Mamdani, người sinh ra tại Uganda (châu Phi), tuyên bố, ông sẽ “ngăn chặn” các đặc vụ thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) trục xuất những người “hàng xóm của chúng ta” ở New York.
“Được rồi. Vậy chúng ta sẽ phải bắt giữ ông ấy”, ông Trump trả lời báo giới, đề cập tới phát biểu của ông Mamdani.
“Tôi sẽ theo dõi ông ấy thật cẩn thận”, ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng “nhiều người nói ông Mamdani cư trú bất hợp pháp” và giới chức Mỹ sẽ “xem xét mọi thứ”.
Trong một bình luận trên mạng xã hội X, ông Mamdani cho rằng ông Trump đang “đe dọa” và ông sẽ không lùi bước.
Vương Nam – Kyiv Post, Reuters, TASS