Ông Zelensky tới Ankara hôm 15/5 (ảnh: Reuters)
Ông Zelensky “nghi ngờ” phái đoàn Nga
Tổng thống Ukraine Zelensky đã tới Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 15/5 và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Ngay khi xuống máy bay, ông Zelensky đã bày tỏ thất vọng về phái đoàn mà Nga cử tới Istanbul để đàm phán.
Theo ông Zelensky, phái đoàn mà Ukraine cử tới Istanbul là “cấp cao nhất”, bao gồm Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.
“Chúng tôi cần hiểu rõ cấp độ của phái đoàn Nga và họ được ủy quyền đến mức nào. Liệu họ có đủ khả năng để đưa ra quyết định hay không. Từ góc nhìn của tôi, phái đoàn này chỉ mang tính trang trí”, ông Zelensky nói với báo giới.
Khi được hỏi thông điệp ông gửi tới Tổng thống Nga Putin là gì, ông Zelensky nói: “Tôi đang ở đây. Tôi nghĩ đây là thông điệp rõ ràng nhất”.
Theo RT, giới chức Nga cũng đưa ra tuyên bố nhằm đáp trả ông Zelensky.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 15/5 cho biết, ông Zelensky đã đưa ra nhiều tuyên bố nhằm “tìm cách thuyết phục” ông Putin tới Istanbul nhưng không thành công.
“Ông ấy thật đáng thương”, ông Lavrov nói.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi ông Zelensky là “bù nhìn” và “kẻ thua cuộc”.
Phái đoàn Nga và phái đoàn Ukraine chưa tổ chức cuộc họp ở Istanbul.
Ông Trump: Tôi không thất vọng
Ông Trump trả lời báo giới trên chuyên cơ Không lực Một (ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/5 cho biết, ông không thất vọng khi Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Nga Putin sẽ không tới Istanbul để đàm phán.
“Không, tôi không dự đoán rằng ông ấy (Putin) sẽ đến. Tôi đã nói rồi. Tại sao ông ấy lại đến đó nếu tôi không đến? Tôi sẽ không đến đó. Tôi không có kế hoạch. Và tôi đã nói: ‘Tôi không nghĩ ông ấy sẽ đến nếu tôi không xuất hiện’. Điều đó hóa ra lại đúng”, ông Trump nói với các nhà báo trên chuyên cơ Không lực Một.
Tổng thống Mỹ cho biết, các vấn đề quan trọng về tình hình Ukraine sẽ được quyết định khi ông có cuộc gặp trực tiếp với ông Putin.
“Sẽ không có chuyện gì xảy ra cho đến khi ông Putin và tôi gặp nhau. Được chứ? Và rõ ràng là ông ấy không đến. Ông ấy sẽ đến khi tôi đến”, ông Trump nói, lưu ý rằng cần phải sớm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine vì có “quá nhiều người đang chết”.
“Tôi không thất vọng về bất cứ điều gì”, ông Trump nói, đề cập tới phái đoàn Nga ở Istanbul.
“Tôi không thất vọng. Tại sao tôi phải thất vọng? Chúng ta vừa thu về 4 nghìn tỷ USD, vậy mà các bạn lại thất vọng về một phái đoàn? Tôi không biết về phái đoàn đó, tôi thậm chí còn không kiểm tra”, ông Trump nói thêm, dường như đề cập tới các khoản đầu tư của nước ngoài cho Mỹ.
Trong một bài đăng mới trên mạng xã hội, ông Trump kêu gọi Tổng thống Ukraine Zelensky: “HÃY HỌP NGAY BÂY GIỜ”.
Nga - Ukraine chuẩn bị đàm phán trực tiếp lần đầu tiên sau 3 năm
Lần cuối cùng Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp là vào năm 2022. Ảnh: AFP.
Hôm nay, Nga và Ukraine sẽ có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ vào năm 2022. Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky là trưởng đoàn đàm phán phía Nga, giống như năm 2022. Các quan chức khác của Nga tham gia đàm phán còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và Tổng cục trưởng Cục Tình báo quân sự Igor Kostyukov.
Theo hãng thông tấn Nga TASS, cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương, tức 2 giờ chiều, giờ Việt Nam). Đàm phán diễn ra theo hình thức họp kín.
Phía Ukraine không xác nhận thời gian diễn ra cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Báo Nga Izvestia đưa tin, an ninh ở Istanbul đã được tăng cường, với xe tuần tra và xe cảnh sát bọc thép đồn trú trên đường phố.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ có cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara trước khi các cuộc đàm phán tại Istanbul diễn ra. Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, ông Zelensky sẽ không gặp các quan chức Nga vì ông Putin không tham dự.
Phái đoàn của Ukraine được cho là gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andrii Sybiha. Ông Yermak được cho là nhân vật quyền lực số 2 ở Ukraine sau ông Zelensky, đã tham dự nhiều cuộc đàm phán hòa bình trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, các đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg cũng sẽ tới Istanbul nhưng dường như không trực tiếp tham gia cuộc đàm phán Nga – Ukraine vào ngày 15/5.
Nga công bố thành phần đoàn đàm phán với Ukraine
Ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ định các thành viên tham gia phái đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine. Cuộc họp dự kiến diễn ra tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dẫn đầu phái đoàn là ông Vladimir Medinsky – Trợ lý Tổng thống Nga, từng đứng đầu đoàn đàm phán của Moscow trong các cuộc đối thoại với Kiev hồi năm 2022. Ngoài ra, phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và Tổng cục trưởng Cục Tình báo quân sự Igor Kostyukov.
Bên cạnh các nhà đàm phán chính, ông Putin cũng cử một nhóm chuyên gia hỗ trợ gồm các quan chức quân sự, dân sự cấp cao và nhà ngoại giao. Những người này bao gồm:
• Tướng Andrey Zorin đến từ Tổng cục Tham mưu, Cục Thông tin
• Bà Ekaterina Podobreveskaya đến từ Văn phòng Tổng thống, phụ trách Chính sách nhân đạo
• Ông Alexander Polishchuk đến từ Bộ Ngoại giao, phụ trách khối SNG
• Ông Vladimir Shevtsov đến từ Bộ Quốc phòng, phụ trách Hợp tác quân sự quốc tế
Phái đoàn Nga đàm phán với Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022. Ảnh: Getty Images.
Thành phần này gần như giống với đoàn đàm phán của Nga từng tham gia vào các vòng đàm phán năm 2022.
Một điểm đáng chú ý là danh sách không có sự góp mặt của các chính trị gia cấp cao nhất của Nga, trong đó có Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Hãng tin Reuters dẫn một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết ông Donald Trump sẽ không tham dự cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tại Istanbul.
Dù vậy, hai đặc phái viên của ông Trump – Steve Witkoff và Keith Kellogg – sẽ có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi tiến trình đàm phán. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi ông Trump trực tiếp tham dự cuộc gặp.
"Chúng tôi cũng nghe rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ tham dự cuộc gặp. Đó có thể là lý lẽ mạnh mẽ nhất", ông Zelensky phát biểu hôm 11/5, đồng thời xác nhận sẽ trực tiếp tham gia và mời ông Putin đến gặp mặt tại Istanbul.
Tuy nhiên, theo nguồn tin Reuters, ông Trump quyết định không tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Nga công bố rằng ông Putin cũng sẽ không đích thân dự vòng đàm phán này.
Ông Zelensky chắc chắn đến Istanbul
“Nếu tôi gặp ông ấy (Putin), chúng tôi cần đạt được một chiến thắng về chính trị như lệnh ngừng bắn, trao đổi toàn bộ tù binh hoặc điều gì đó tương tự”, Tổng thống Ukraine Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn của Libération (báo Pháp) được công bố hôm 14/5.
Theo ông Zelensky, sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Istanbul vào ngày 15/5 có thể hối thúc ông Putin. Nếu Tổng thống Nga không tham dự, cuộc đàm phán ở Istanbul có thể coi là “thất bại”.
Khi được hỏi về khả năng xung đột kéo dài trong bao lâu, ông Zelensky nói:
“Sẽ không thể mất tới 10 năm. Ukraine không thể chịu đựng được điều đó. Cái giá phải trả sẽ rất đắt cho các bên, không chỉ đối với các đối tác của Ukraine mà còn với cả đối thủ”.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hôm 13/5, ông Zelensky cũng nhấn mạnh đến nhu cầu “thống nhất về lệnh ngừng bắn” nếu gặp ông Putin.
“Ông ấy là người duy nhất có thể quyết định về điều đó”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky mong muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn nếu gặp ông Putin (ảnh: Ukrinform)
Hôm 14/5, ông Andrii Yermak – Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine – cho biết, ông Zelensky chắc chắn sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5, bất chấp Tổng thống Nga có tới hay không.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Trump cũng bày tỏ quan tâm đến cuộc đàm phán Nga – Ukraine ngày 15/5. Ông Trump cho biết, Tổng thống Nga muốn ông có mặt ở đó (Istanbul) và điều này “có khả năng xảy ra”.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ “không biết” liệu ông Putin có tới Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông có mặt hay không.
Theo lịch trình hiện tại, ông Trump sẽ tới thăm Doha và Abu Dhabi vào ngày 15/5.
Điện Kremlin lần thứ 3 từ chối tiết lộ về phái đoàn đàm phán Nga
Điện Kremlin đã từ chối trả lời trong 3 ngày liên tiếp trước câu hỏi về việc ai sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tới Istanbul, The Guardian đưa tin.
Hôm 14/5, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Điện Kremlin – cho biết, ông sẽ công bố thành phần phái đoàn đàm phán của Nga khi Tổng thống Putin “có chỉ thị”.
“Hiện tại, vẫn chưa có chỉ thị nào như vậy được đưa ra”, ông Peskov nói.
Ông Yury Ushakov – trợ lý Tổng thống Nga – cho biết, thành phần của phái đoàn Nga sẽ phụ thuộc vào chương trình nghị sự ở Istanbul.
“Phái đoàn cần giải quyết cả vấn đề chính trị, và theo tôi là hàng tỷ vấn đề chuyên môn”, ông Ushakov nói.
“Thành phần của phái đoàn sẽ được xác định dựa trên cơ sở đó”, ông Ushakov nói.
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Nga, cho biết, danh sách phái đoàn đàm phán Nga sẽ được công bố vào tối ngày 14/5 (giờ Nga).
Bộ trưởng Pakistan viết thư cho Ấn Độ
Bộ trưởng Tài nguyên nước Pakistan đã kêu gọi Ấn Độ xem xét lại về quyết định đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn năm 1960, India Today đưa tin.
Ấn Độ tiếp tục đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn với Pakistan (ảnh: Reuters)
Hôm 22/4, Ấn Độ đã tuyên bố đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn nhằm đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng ở Kashmir mà Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan. Hiệp ước quan trọng này đảm bảo nguồn nước cho khoảng 80% diện tích canh tác nông nghiệp của Pakistan.
Trong bức thư gửi Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Bộ trưởng Tài nguyên nước Pakistan cho rằng, quyết định đình chỉ Hiệp ước của New Delhi có thể gây ra cuộc khủng hoảng nước ở Pakistan, India Today đưa tin.
Hôm 13/5, Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp tục đình chỉ Hiệp ước cho đến khi Pakistan “từ bỏ” việc hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới.
Trong bài phát biểu hôm 12/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhắc lại lập trường cứng rắn của New Delhi về nguồn nước sông Ấn.
“Khủng bố và đàm phán không thể diễn ra đồng thời. Khủng bố và thương mại không thể diễn ra đồng thời. Nước và máu không thể chảy cùng nhau”, ông Modi nói.
Theo ông Modi, Ấn Độ hiện chỉ có thể đàm phán với Pakistan về việc tiêu diệt khủng bố và trả lại một số khu vực ở Kashmir do Islamabad “chiếm đóng”.
Vương Nam – Ukrainska Pravda, Guardian, India Today