Thế giới 24h: Thái Lan thông báo đàm phán hòa bình với Campuchia

Chủ nhật, 27/07/2025 03:52

Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia sẽ gặp nhau tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) vào ngày 28/7, phía Thái Lan xác nhận.

img

Ông Jirayu Huangsap – phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Thái Lan (ảnh: Nation Thailand)

Thái Lan xác nhận đàm phán, quyết không nhượng bộ Campuchia

Ông Jirayu Huangsap – phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng và là thành viên thuộc Trung tâm quản lý tình hình biên giới Thái Lan – cho biết, lãnh đạo nước này đã nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và tham gia đàm phán hòa bình với Campuchia vào ngày 28/7.

Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai sẽ dẫn đầu phái đoàn Thái Lan, ông Jirayu cho biết.Chuyến bay chở ông Phumtham dự kiến cất cánh lúc 10h30 ngày 28/7 và tới Kuala Lumpur khoảng 15h chiều.

Theo ông Jirayu, phía Campuchia cũng đã nhận lời mời của ông Anwar và Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ dẫn đầu phái đoàn.

Về nội dung cuộc đàm phán ngày 28/7, ông Jirayu bác bỏ một số tin đồn rằng phái đoàn Thái Lan sẽ chấp nhận bản đồ tỷ lệ 1:200.000 (được cho là có lợi cho Phnom Penh) mà Campuchia đưa ra để làm cơ sở để phân định ranh giới. 

“Điều đó là hoàn toàn sai và không thể xảy ra”, ông Jirayu nói, nhấn mạnh rằng Thái Lan chỉ chấp nhận bản đồ tỷ lệ 1:50.000 của nước này.

Theo ông Jirayu, mục đích của cuộc đàm phán ngày 28/7 là để các bên trao đổi, đóng góp quan điểm nhằm khôi phục hòa bình, đồng thời tái khẳng định lập trường kiên định của Thái Lan về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

“Từng mét vuông lãnh thổ Thái Lan sẽ được bảo vệ”, ông Jirayu nói.

Thủ tướng Campuchia và Quyền Thủ tướng Thái Lan "đồng ý gặp mặt" 

img

Lực lượng Thái Lan ở tỉnh Sisaket, giáp Campuchia (ảnh: Reuters)

Trả lời hãng thông tấn Malaysia Bernama chiều ngày 27/7, ông Hasan cho biết, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai dự kiến tới Malaysia vào ngày 28/7 để đàm phán.

“Hai bên hoàn toàn tin tưởng Malaysia và đề nghị chúng tôi giữ vai trò trung gian hòa giải”, ông Hasan nói.

Theo ông Hasan, phía Malaysia đã thảo luận với các đối tác từ Campuchia, Thái Lan và nhất trí rằng sẽ không có quốc gia nào khác can thiệp vào cuộc đàm phán.

Cuộc đàm phán dự kiến tổ chức tại Malaysia diễn ra sau khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (Chủ tịch luân phiên ASEAN) đề xuất Campuchia, Thái Lan ngừng bắn và Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 26/7 rằng, lãnh đạo 2 nước sẽ sớm gặp nhau.

Giới chức Thái Lan, Campuchia chưa lên tiếng về thông tin này.

Thái Lan và Campuchia giao tranh căng thẳng

Hôm 27/7, Thái Lan cho biết nước này “chưa sẵn sàng” ngừng các hoạt động quân sự, cáo buộc phía Campuchia tiếp tục pháo kích vào một số địa điểm dọc biên giới.

“Không thể đạt được ngừng bắn với Campuchia với tình hình như hiện tại”, Bộ Ngoại giao Thái Lan tuyên bố, theo CNN.

Phía Campuchia cho biết, trong ngày 27/7, Thái Lan đã sử dụng UAV, xe tăng, bom tầm cao và các vũ khí khác để tấn công nhiều vị trí trên lãnh thổ Campuchia. Đạn pháo được cho là đã rơi gần đền Preah Vihear – di sản thế giới UNESCO tại tỉnh cùng tên ở phía bắc Campuchia, theo trung tướng Campuchia Maly Socheata.

“Lực lượng của chúng tôi vẫn đang phản công mạnh mẽ”, vị tướng Socheata nói thêm, theo CNN.

Đài Truyền hình Quốc gia Thái Lan (NBT) đưa tin, lực lượng Campuchia đã pháo kích khu vực nằm ở phía tây đền Preah Vihear ở tỉnh tỉnh Surin, làm hư hại một số nhà dân.

Tính đến ngày 27/7, Thái Lan cho biết 19 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu, phần lớn là dân thường. Hơn 138.000 người từ sáu tỉnh phải sơ tán và hiện ở trong các cơ sở do chính phủ bố trí, theo Bộ Y tế Thái Lan.

Trong khi đó, phía Campuchia nói tại tỉnh Oddar Meanchey giáp ranh Surin, có 13 người thiệt mạng, trong đó có 8 dân thường, và 50 người bị thương. Bộ Quốc phòng Campuchia thông tin rằng ít nhất 80.000 người nước này đã phải sơ tán do xung đột.

Pháo kích ở nhiều địa điểm thuộc biên giới Thái Lan - Campuchia

Tờ Khmer Times dẫn nguồn tin quân sự Campuchia cho biết, vào khoảng 2 giờ 30 sáng (giờ địa phương), pháo kích được ghi nhận tại khu vực xung quanh đền Preah Vihear. 

Đến 4 giờ sáng, đạn pháo tiếp tục rơi xuống khu vực quanh đền cổ Ta Moan. Giao tranh được cho là đã bắt đầu từ sáng sớm tại khu vực Chan Rouge, nơi các binh sĩ Thái Lan bị cáo buộc pháo kích vào lãnh thổ Campuchia.

Các cuộc đụng độ được ghi nhận tại nhiều điểm nóng, trong đó có Prasat Ta Moan và Chub Kor Ki. 

Theo tờ Khasod của Thái Lan, giao tranh ngày thứ 4 nổ ra vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng ở gần đền Preah Vihear.

Một số người dân sống gần khu vực biên giới cho biết họ đã nghe thấy nhiều tiếng súng và tiếng nổ lớn kéo dài từ khoảng 2 giờ đến 5 giờ sáng. Tình hình bất ổn khiến dân thường phải tìm nơi trú ẩn an toàn.

img

Pháo phản lực BM-21 của quân đội Campuchia. Ảnh: AFP.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã có cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai nhằm thúc đẩy các bên ngừng bắn và khôi phục hòa bình. Theo ông Trump, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp mặt để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn "ngay lập tức và nhanh chóng tiến tới hòa bình”.

“Các bên đã đồng ý gặp nhau ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, và cuối cùng là hòa bình”, ông Trump viết mạng xã hội Truth trong loạt bài đăng về tình hình căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia.

Sáng sớm ngày 27/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã cảm ơn ông Trump và cho biết Campuchia đồng ý với “đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa Campuchia và Thái Lan”. Ông cũng cho biết trước đó đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn với Thái Lan thông qua Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Bộ Ngoại giao Thái Lan tỏ ra thận trọng hơn, cho biết nước này mong muốn thấy được “thiện chí thực sự từ phía Campuchia”. Theo tờ Bangkok Post, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đã “đề nghị ông Trump chuyển lời rằng Thái Lan mong muốn tổ chức đối thoại với Campuchia sớm nhất có thể để đưa ra các biện pháp và quy trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và tiến tới giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”.

Ông Trump tuyên bố dàn xếp giao tranh Thái Lan – Campuchia

Tối ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông mong muốn Thái Lan – Campuchia đạt được lệnh ngừng bắn và chấm dứt giao tranh.

“Tôi vừa trao đổi với Thủ tướng Campuchia về việc chấm dứt cuộc đụng độ với Thái Lan. Tôi sẽ gọi cho Quyền Thủ tướng Thái Lan, ngay lúc này, để đề nghị thực hiện ngừng bắn và chấm dứt căng thẳng đang leo thang”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth.

Tổng thống Trump cho biết, Mỹ đang đàm phán thỏa thuận thương mại với cả Campuchia, Thái Lan và ông không mong muốn ký kết thỏa thuận nào khi các bên còn đang giao tranh.

Trong bài đăng, ông Trump cũng lưu ý đến cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ - Pakistan, đã “chấm dứt thành công” nhờ sự can thiệp của Mỹ.

Không lâu sau bài đăng đầu tiên, Tổng thống Mỹ cho biết ông đã có cuộc trò chuyện “rất tốt đẹp” với Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai.

“Tôi vừa nói chuyện với Quyền Thủ tướng Thái Lan, và đó là một cuộc điện đàm rất tốt đẹp. Thái Lan, cũng như Campuchia, mong muốn có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Tôi sẽ chuyển lại thông điệp đó cho Thủ tướng Campuchia. Sau khi nói chuyện với cả hai bên, việc đạt được lệnh ngừng bắn, hòa bình và thịnh vượng dường như là tất yếu. Chúng ta sẽ sớm thấy kết quả”, ông Trump viết.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn Thái Lan và Campuchia sớm chấm dứt giao tranh (ảnh: Getty)

Campuchia và Thái Lan chưa bình luận về thông điệp của ông Trump.

Giao tranh ở biên giới giữa Campuchia và Thái Lan hôm 26/7 đã kéo dài sang ngày thứ 3, gây ra nhiều thương vong.

Ở Thái Lan, hơn 138.000 người đã phải sơ tán, còn về phía Campuchia là hơn 35.000 người.

Campuchia tuyên bố không sử dụng pháo PHL-03

Trung tướng Maly Socheata – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia – bác bỏ thông tin từ phía Thái Lan rằng quân đội Campuchia có thể sử dụng pháo phản lực tầm xa PHL-03 để tấn công.

img

Campuchia bác bỏ thông tin đã sử dụng pháo PHL-03 (ảnh: China Military)

“Campuchia không cần sử dụng pháo tầm xa PHL-03”, bà Socheata cho biết trong cuộc họp báo chiều ngày 26/7, đồng thời đề nghị phía Thái Lan không “cố tình phát tán thông tin sai lệch”.

Theo bà Socheata, trong tình hình hiện tại, quân đội Campuchia không có nhu cầu sử dụng pháo phản lực tầm xa PHL-03.

“Mới đây, có thông tin cho rằng Campuchia đã sử dụng pháo tầm xa PHL-03 để tấn công lãnh thổ Thái Lan. Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng bác bỏ những thông tin sai lệch và tin đồn. Campuchia không có nhu cầu sử dụng pháo tầm xa PHL-03”, bà Socheata nói.

PHL-03 là pháo phản lực đa nòng gắn trên xe tải, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km.

Trước đó, hôm 26/7, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 Thái Lan đã cảnh báo người dân về khả năng quân đội Campuchia sử dụng loại pháo này.

Cùng ngày, giới chức tỉnh Surin (Thái Lan) đã cảnh báo người dân tránh xa các khu vực có nguy cơ trong phạm vi 120km tính từ biên giới Campuchia trong vòng một đến 3 ngày tới và không tập trung đông đúc.

Nga kiểm soát ngôi làng thứ 2 ở Dnipropetrovsk

Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/7 thông báo, quân đội nước này đã kiểm soát làng Maliyevka ở tỉnh Dnipropetrovsk (miền trung Ukraine). Đây là ngôi làng thứ 2 ở Dnipropetrovsk nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga trong chiến dịch phản công mùa hè.

img

Binh sĩ Nga nã pháo trên tiền tuyến Ukraine (ảnh: TASS)

Theo RT, làng Maliyevka cách làng Voskresenka (Donetsk) khoảng 2km về phía tây nam. Nga đã kiểm soát làng Voskresenka hôm 15/7.

Cùng ngày 26/7, quân đội Nga cũng tuyên bố kiểm soát làng Zeleny Gai ở Donetsk. Ngôi làng này nằm giáp biên giới hành chính với tỉnh Dnipropetrovsk.

“Zeleny Gai được bố trí thành một pháo đài của lực lượng Ukraine ở mặt trận Donetsk, án ngữ các tuyến đường tiếp cận biên giới hành chính với tỉnh Dnipropetrovsk”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Ông Trump: Tuyên bố của Tổng thống Pháp về Palestine "không quan trọng"

Hôm 24/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp có ý định công nhận nhà nước Palestine vào tháng 9 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Pháp hy vọng động thái này có thể mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông.

Kế hoạch này bị Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ.

“Những gì ông ấy (Macron) nói không quan trọng”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 26/7, tại Nhà Trắng.

“Ông ấy rất tốt. Tôi thích ông ấy, nhưng những lời nói đó không có giá trị gì”, ông Trump nói, nhấn mạnh rằng kế hoạch của Tổng thống Pháp “không thay đổi được gì”.

Năm 1988, 81 nước đã công nhận nhà nước Palestine, theo DW.

Năm ngoái, Tây Ban Nha, Na Uy, Slovenia và Ireland đã công nhận nhà nước Palestine.

Vương Nam – Khmer Times, TASS, Reuters

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.