Thế giới 24h: Ông Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia

Thứ 6, 02/05/2025 07:22

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và chỉ định Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tạm thời làm người thay thế.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ mất chức

Đây là cải tổ nhân sự lớn nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức, theo Reuters.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth, ông Trump cho biết, ông Mike Waltz sẽ được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. “Ông Mike Waltz đã nỗ lực hết sức để đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Tôi biết ông ấy cũng sẽ làm như vậy trong vai trò mới”, ông Trump viết.

Bình luận trên mạng xã hội X, ông Waltz cho biết, ông rất “vinh dự” khi được tiếp tục phục vụ Tổng thống Trump.

2 nguồn tin của Reuters cho biết, ông Alex Wong (cấp phó của ông Waltz) cũng bị buộc rời khỏi chức vụ. Việc điều chuyển xảy ra sau khi ông Waltz vấp phải chỉ trích dữ dội vì vô tình thêm tổng biên tập tại chí The Atlantic (Jeffrey Goldberg) vào một nhóm chat bí mật, làm lộ kế hoạch tấn công lực lượng Houthi ở Yemen.

img

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz vướng bê bối làm lộ thông tin hồi tháng 3 (Ảnh: Reuters)

Sau quyết định mới của ông Trump, ông Rubio sẽ là người đầu tiên kể từ những năm 1970 (thời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger) giữ chức Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia cùng lúc. Một nguồn thạo tin cho hay, ông Trump muốn lãnh đạo nước Mỹ qua mốc 100 ngày, trước khi ra quyết định sa thải quan chức nội các cao cấp như ông Waltz.

Mỹ có thể tung đòn thuế "khủng" để gây sức ép với Nga

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham ngày 30/4 tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện Mỹ cho một dự luật trừng phạt Nga mà ông mô tả là “chấn động”, bao gồm cả mức thuế lên tới 500% đánh vào các quốc gia tiếp tục mua hàng xuất khẩu chủ lực của Nga như dầu mỏ, khí đốt và uranium.

img

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Ảnh: Getty

Theo đài RT, ông Graham nhấn mạnh mục tiêu của dự luật là “tăng sức ép để hỗ trợ Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán với Nga về khả năng chấm dứt chiến sự tại Ukraine”. Ông cũng cho biết đã có cam kết từ 72 thượng nghị sĩ cả hai đảng, và đủ phiếu để đưa dự luật này ra Hạ viện.

Bloomberg dẫn nội dung dự luật bao gồm các nội dung: Cấm công dân Mỹ mua trái phiếu chính phủ Nga; áp thuế 500% lên các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ, sản phẩm dầu, khí tự nhiên và uranium từ Nga.

Ông Graham tuyên bố: “Tôi muốn cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc bằng đàm phán, một cách danh dự và công bằng. Tôi cho rằng ông Trump là người phù hợp nhất để đạt được điều đó. Và dự luật này là một công cụ để ông ấy sử dụng khi cần".

Ông Graham cảnh báo: “Nếu Tổng thống Trump thấy bế tắc trong đàm phán, hãy chờ xem các biện pháp này phát huy tác dụng. Khi đó, kinh tế Nga sẽ bị đẩy vào thế kiệt quệ".

Bình luận của ông Graham xuất hiện chỉ vài ngày sau khi ông Trump đăng trên Truth Social rằng ông nghi ngờ Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thực sự muốn dừng cuộc xung đột”. Ông Trump cũng cảnh báo có thể đối phó với Nga thông qua các biện pháp "trừng phạt ngân hàng hoặc trừng phạt bổ sung".

Điện Kremlin lâu nay vẫn lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây là phi pháp và không hiệu quả về lâu dài. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận nào về phát biểu của ông Graham.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Iran: "Cái giá phải trả sẽ đến"

Giữa lúc các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen tiếp tục gia tăng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 1/5 gửi lời cảnh báo rắn tới Iran: Washington sẽ đáp trả “vào thời điểm và địa điểm do chúng tôi quyết định”.

Ông Hegseth khẳng định Tehran đang đứng sau các vụ tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ thông qua việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho lực lượng Houthi. 

“Chúng tôi thấy rõ sự hậu thuẫn của các ông dành cho Houthi. Chúng tôi biết các ông đang làm gì", ông Hegseth viết trên mạng xã hội X. “Các ông biết rõ quân đội Mỹ có thể làm được những gì – và các ông đã được cảnh báo. Cái giá phải trả sẽ đến, dù sớm hay muộn".

Thông điệp của ông Hegseth xuất hiện chỉ 2 ngày sau đợt không kích mới nhất của liên quân Mỹ - Anh vào các mục tiêu do Houthi kiểm soát ở gần thủ đô Sanaa, trong đó lần đầu tiên có sự tham gia của không quân Anh. Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh cho biết các đòn tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất máy bay không người lái của Houthi.

Hải quân Mỹ ngày 29/4 xác nhận một chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet của họ đã rơi khỏi tàu sân bay USS Harry S. Truman đang hoạt động ở Biển Đỏ. Theo nhiều nguồn tin, chiếc máy bay có thể đã bị rơi khi tàu đang quay gấp để né một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Yemen.

Tổng thống Donald Trump từ giữa tháng 3 đã tuyên bố sẽ coi “mọi phát súng mà Houthi bắn ra từ nay trở đi là hành động đến từ vũ khí và sự chỉ đạo của Iran".

Iran liên tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ. “Ansar Allah (Houthi) tự đưa ra các quyết định chiến lược. Iran không can dự vào đường lối hay kế hoạch tác chiến của bất kỳ nhóm nào trong trục kháng chiến", Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran Hossein Salami khẳng định sau khi chiến dịch không kích của Mỹ bắt đầu.

Tỷ phú Elon Musk nói gì về tin đồn Tesla "tạo phản"?

Đài RT ngày 1/5 đưa tin, tỷ phú Elon Musk vừa lên tiếng bác bỏ thông tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng ban lãnh đạo tập đoàn Tesla đang âm thầm tìm người thay thế ông ở vị trí CEO. Ông Musk gọi đây là một bài viết "cố tình bịa đặt" và "làm ô danh nghề báo".

Trên nền tảng mạng xã hội X, ông Musk khẳng định: “Việc WSJ đăng tải một bài viết cố tình sai sự thật mà không trích dẫn tuyên bố bác bỏ rõ ràng của Tesla là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức báo chí”.

Bà Robyn Denholm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tesla – cũng đưa ra tuyên bố phản bác mạnh mẽ, nhấn mạnh: “CEO của Tesla là Elon Musk và hội đồng quản trị hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của ông ấy trong việc thực hiện các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng sắp tới”.

WSJ trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, khoảng một tháng trước, Tesla đã tiếp cận một số công ty tuyển người để bắt đầu quy trình chính thức tìm kiếm CEO mới. Các thành viên cấp cao của Tesla được cho là bắt đầu "nghiêm túc" với kế hoạch này sau khi cổ phiếu của tập đoàn lao dốc và các nhà đầu tư tỏ ra mất kiên nhẫn với việc ông Musk dành quá nhiều thời gian cho vai trò lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) – một đơn vị do chính quyền Tổng thống Donald Trump thành lập nhằm cắt giảm chi tiêu công.

Ông Musk hiện là một nhân vật gây tranh cãi tại Mỹ, một phần vì mối quan hệ thân thiết với ông Trump, một phần vì cách điều hành "đa tuyến" – vừa đứng đầu các tập đoàn Tesla và SpaceX, vừa tham gia một số hoạt động của chính phủ.

Trong quý I năm 2025, Tesla chứng kiến lợi nhuận giảm 71% và doanh thu sụt 9%. Cùng lúc, hàng chục cơ sở liên quan tới Tesla trên toàn nước Mỹ đã trở thành mục tiêu biểu tình. Một số vụ còn leo thang thành bạo lực, với các hành vi phá hoại như đốt xe và tấn công trạm sạc của tập đoàn.

Trước sức ép ngày càng lớn, tuần trước ông Musk tuyên bố sẽ rút bớt vai trò trong chính phủ vì cho rằng "phần việc chính của DOGE đã hoàn tất”.

Nguyễn Thái - (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.