Thế kẹt của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

Thế kẹt của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 2, 28/03/2022 11:25

Đạo luật HFCAA cho phép Ủy ban Chứng khoán Mỹ cấm công ty giao dịch và xóa khỏi sàn chứng khoán Phố Wall, nếu không được kiểm tra BCTC kiểm toán 3 năm gần nhất.

Các nhà quản lý Trung Quốc và đối tác Mỹ đang nỗ lực giải quyết tranh chấp trong việc kiểm toán ảnh hưởng đến công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Họ mong muốn đạt được sự hợp tác hiệu quả và bền vững càng sớm càng tốt.

Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc trích dẫn nguồn tin thân cận với cơ quan quản lý cho biết Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tham khảo ý kiến ​​từ một số công ty của nước này đang niêm yết tại Mỹ trong một cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến vào hôm 27/3.

Nguồn tin được trích dẫn cho biết: "Các cơ quan quản lý của Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức được đầy đủ về mối quan tâm của đối phương, đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này nhằm đạt được sự hợp tác hiệu quả và bền vững càng sớm càng tốt"; "Điều này vì lợi ích tốt nhất trong thị trường vốn của cả hai quốc gia và các nhà đầu tư toàn cầu."

Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, CSRC nhận định những cuộc đàm phán gần đây với các nhà quản lý Mỹ đã diễn ra hiệu quả, thẳng thắn và chuyên nghiệp.

Thế giới - Thế kẹt của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

Hình ảnh bên ngoài Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ở Bắc Kinh vào ngày 17/4/2020. Ảnh: Getty Images.

Các thông tin trên được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan quản lý kế toán của các công ty đại chúng Mỹ cho rằng những đồn đoán gần đây của giới truyền thông về một thỏa thuận sắp xảy ra với Trung Quốc là "quá sớm", đồng thời vẫn chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có cấp quyền truy cập theo yêu cầu của luật niêm yết mới của Mỹ hay không. 

Trước đó, Washington đã yêu cầu được cấp quyền truy cập hoàn toàn vào sổ sách của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không cho phép cơ quan nước ngoài kiểm tra các với giấy tờ làm việc của những công ty kế toán nước này. Điều đó dẫn tới một tranh chấp kiểm toán âm ỉ kéo dài.

Vào ngày 10/3, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) xác định 5 chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR) của công ty Trung Quốc đã không tuân thủ Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (HFCAA). ADR là cổ phiếu của công ty ngoài Mỹ được giao dịch trên sàn chứng khoán nước này.

Sau thông tin đó, các nhà phân tích từ công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Citi cho biết giá cổ phiếu của những công ty internet và công nghệ Trung Quốc - vốn thường được niêm yết ở cả New York và Hồng Kông (Trung Quốc), đã sụt giảm trên diện rộng. Nguyên nhân do xuất hiện những quan ngại về việc nhiều công ty sẽ bị đưa vào danh sách này của Mỹ trong những tháng tới.

Đạo luật HFCAA cho phép SEC cấm công ty giao dịch và xóa khỏi sàn chứng khoán Phố Wall, nếu những công ty này không cho phép cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp.

Thế giới - Thế kẹt của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ (Hình 2).

Hình ảnh bên ngoài Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) tại thành phố New York, vào ngày 12/9/2018. Ảnh: Getty Images.

Vào tháng này, hãng Financial Times và Bloomberg News đưa tin cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc đang cân nhắc một đề xuất cho phép cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra giấy tờ làm việc của kiểm toán viên ở một số công ty trong năm nay.

Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc cho biết CSRC đã cảnh báo các bên tham gia thị trường không nên tin tưởng một cách mù quáng theo những thông tin đầu cơ của một số phương tiện truyền thông mà thiếu nắm bắt thông tin chi tiết và phương hướng của các cuộc đàm phán. Thông tin từ những báo cáo như vậy đã gây ra những xáo trộn không đáng có đối với kỳ vọng của thị trường.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.