Thời điểm này, những cơn mưa rào bất chợt thường xuất hiện khiến nước trên đầu nguồn các con suối đổ về. Đây cũng là thời điểm những con cua đá ngon nhất, béo nhất và được nhiều người lùng mua với giá cao. Vì vậy, người dân các tỉnh miền núi lại rủ nhau lên rừng bắt cua đá.
Những con cua núi nấp sau hang đá chỉ bò ra ngoài khi trời tối. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Khác với những loại cua sống ở biển, ở đồng ruộng hay ở đầm, những con cua đá núi ở vùng cao thường sống trong những hốc đá ven suối. Có hình dáng na ná cua đồng nhưng kích cỡ của cua đá to gấp 2-3 lần, chạy rất nhanh với chiếc càng to khoẻ.
Màu sắc của cua đá phụ thuộc vào nơi chúng sống và thức ăn chúng kiếm được. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Thức ăn của chúng hàng ngày là các loại côn trùng và lá rừng, vì thế thịt cua đá rất chắc, thơm và ngọt, được nhiều người yêu thích và mua với giá cao.
Sau khi cơn mưa rào đổ xuống suốt buổi chiều, chập choạng tối, 3 người nhà anh Vũ Văn Huyên 1983 (xã Đông Cửu huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ) chuẩn bị đồ nghề lên núi bắt cua.
Vượt qua quãng đường đất lầy lội, anh Huyên lên núi để bắt cua.
Đầu đội chiếc đèn pin nhỏ xíu, chân đeo ủng, trên người đeo chiếc giỏ đan bằng tre, anh Huyên cho biết, mưa lớn, nước ở các khe núi và các con suối dâng lên cao nên ban đêm cua hay bò ra khỏi hang để tìm thức ăn.
“Bắt cua không phải cứ tối đến đeo giỏ vào đi lên núi là có thể bắt được đâu. Có tuyệt chiêu cả đấy!”, anh Huyên chia sẻ. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Đi qua các mỏm đá trơn trượt, lách qua những bụi tre, muồng um tùm để trèo đên đầu nguồn các con suối, anh Huyên bắt đầu lôi ra “độc chiêu” của mình là lọ mắm tôm. Anh cho biết, mùi mắm tôm dụ cua đá chui ra khỏi hang chỉ sau 20-30 phút.
“Chờ một lúc, khoảng 8 giờ tối là cua sẽ bò từ các hang đá ra kiếm ăn nên việc bắt cua thuận lợi hơn rất nhiều. Cua đá rất khoẻ và khôn, thấy ánh đèn là chúng chui vào hang nấp, vì thế nên phải dùng tay chộp thật nhanh rồi cho và giỏ, không khéo còn bị cua cặp”, anh Huyên vừa chộp nhanh con cua đá to tướng giơ lên vừa nói.
Theo anh Huyên, ở miền núi, mùa nào thức đó. Sau những ngày đi làm nương, rẫy và làm ruộng vất vả thì những lúc nông nhàn, mùa nào lại lên rừng tìm thức đó về bán để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Mùa ong thì đi kiếm mật, kiếm nhộng, mùa măng lại đi ăn măng bán măng tươi hoặc làm măng chua, măng khô. Tối nào mưa xuống, rảnh rỗi lại đi tìm cua đá. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Trung bình mỗi buổi tối, mấy anh em nhà anh Huyên có thể bắt được 3-4kg cua đá. Vào những ngày sau cơn mưa, số lượng cua bắt được có thể lên đến 7-10kg. Cũng có những ngày đi liên tục hoặc có nhiều người đi bắt thì chỉ được từ 1-2kg một đêm. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Cua sau khi bắt về, ngoài làm thức ăn trong nhà sẽ được đổ ra chậu to đợi đến sáng mang ra chợ bán. Giá cua dao động từ 170 – 250 nghìn đồng/1kg. Cua càng to giá càng cao. Thu nhập một ngày của người bắt cua đá đêm rơi vào khoảng 500 nghìn đồng đến 1 triệu/ngày.
Cua đá có thịt béo ngậy, thơm và ngọt. Càng cua rất to, khoẻ do phải di chuyển trên các hang đá trên núi nên được nhiều người lùng mua với giá cao hơn cua đồng. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Thông thường, để thưởng thức món ăn này, người ta sẽ rửa sạch cua sau đó để nguyên con rồi chế biến. Một trong những cách tận hưởng trọn vẹn hương vị vừa ngậy vừa bùi của cua đá là mang cua đi nướng và hấp bia. Ngoài ra người ta cũng có thể làm cua hấp xả, cua xào me, cua cháy tỏi để làm món nhậu.
Nguyễn Huệ