Sau năm 2021 phát triển rực rỡ, quy mô giao dịch TTCK Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.
Giá trị giao dịch tiếp tục gia tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.385 tỷ đồng/phiên, tăng 14,2% so với bình quân năm trước.
GDP có thể giảm 3% nếu không có giải pháp thích hợp
Nhìn nhận về tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, GS - TS Kinh tế Nguyễn Mại - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cho biết: "Không có ai lường trước được xung đột Nga - Ukraine và chưa ai biết cuộc chiến khi nào kết thúc. Nó kéo theo hệ luỵ giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó đoán định vài tháng tới sẽ như thế nào".
Theo GS Nguyễn Mại, một vấn đề rất đáng quan tâm là phản ứng chính sách của Chính phủ với các vấn đề trong từng thời điểm như hiện tại là mở cửa du lịch quốc tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Theo ông, nước ta đã có 2 giai đoạn ứng phó với đại dịch Covid-19. Đầu tiên là từ trước tháng 4/2021, Việt Nam được coi là điển hình thành công với một nước hệ thống y tế chưa hiện đại nhưng có các biện pháp thích ứng phù hợp, ngăn chặn dịch bệnh.
Nhưng đến tháng 4/2021, dịch lan từ Tp.HCM đến 18 tỉnh thành khác, các doanh nghiệp không được tự chủ trong sản xuất. Cho đến tháng 9/2021, khi có Quyết định 1508, kinh tế mới dần phục hồi lại.
Ông nhận định giá dầu là một trong những vấn đề lớn hiện tại. Chỉ trong 2 tháng, giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 22.000 đồng/lít lên trên 28.000 đồng/lít và có thể lên 30.000 đồng/lít. Đến nay, Chính phủ vẫn chưa đưa có giải pháp ngăn giá dầu lên cao, ảnh hưởng tới nền kinh tế. "Nếu chúng ta không có quyết sách mạnh kìm hãm giá dầu thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế" - ông nói. Theo ông, nhìn vào giá dầu nên nhìn dài hạn, đặt trong bối cảnh hội nhập thế giới.
Vấn đề thứ 2 mà Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Mại nhấn mạnh là việc mở cửa nền kinh tế. Ông cho biết, tại Malaysia, họ coi Covid-19 là bệnh lý thông thường nên không có chuyện phải cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Chính phủ Indonesia cũng đã tuyên bố làm mọi cách thu hút khách quốc tế. Trước đây, Indonesia cấp visa chi phí cao thì nay cấp nhanh chóng, giảm chi phí để thu hút khách du lịch.
"Trong khi đó Việt Nam quá nhiều quy định gây khó khăn để mở cửa du lịch quốc tế, thay vì mở cửa lại thành đóng cửa nền kinh tế" - ông nói.
Theo ông, nền kinh tế cần linh hoạt ứng phó với biến động lớn của kinh tế thế giới, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách, Chính phủ, Quốc hội phải nhanh nhạy hơn trong nắm bắt thông tin, hoạch định chính sách để phù hợp với biến động của thế giới. "Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 7-8% hay sụt xuống 3% trong năm nay nếu không có giải pháp thích hợp" - ông nhận định.
Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt TTCK năm 2022?
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SHS đồng tình với quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mại. Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn có chỉ báo cho thấy vẫn chịu tác động bởi Covid-19. "Thêm vào đó, bối cảnh chung thế giới đang có thêm nhiều yếu tố bất định" - ông Hiển nói.
Nhìn về triển vọng TTCK trong tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại, ông Hiển cho rằng tăng trưởng năm 2022 của TTCK Việt Nam trở nên rất khó đoán. TTCK vẫn hưởng lợi nhờ một số yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, dòng tiền trong thị trường tiếp tục dồi dào, nhà đầu tư tiếp tục mở tài khoản trong 2 tháng đầu năm 2022.
Đại diện SHS cho rằng chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn do mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021. Ông cho biết, nhà đầu tư có thể quan tâm một số nhóm ngành như nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng.
Ông cũng cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm đến các doanh nghiệp có đầu ra ổn định như sản xuất, xuất khẩu, dệt may, thuỷ sản có thể tận dụng gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng.
Ông cũng lưu ý, nhóm logistics, cảng biển, BĐS khu công nghiệp do hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam hay nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu Covid-19 như bán lẻ.
Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô Công ty Chứng khoán MBS cho rằng thị trường chứng khoán năm nay vẫn có nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng nếu nhìn vào lượng tài khoản mới, thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đến TTCK.
Ông Tuấn đánh giá nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ có vai trò dẫn dắt trong năm 2022 nhờ lượng tài khoản mở mới và tăng trưởng giao dịch 2 tháng đầu năm vẫn trên 20%. "Những công ty chứng khoán tiếp tục lộ trình tăng vốn, có thể nhìn thấy cơ hội tiềm năng đáp ứng vốn cho hoạt động đầu tư" - ông nói.
Tiếp theo là ngành bất động sản (BĐS), nhìn theo chu kỳ kinh tế, ông Tuấn cho rằng sau khi kinh tế phục hồi thì BĐS sẽ đi theo sau. Do đó, giá BĐS năm 2021-2022 dự kiến tiếp tục gia tăng, đặc biệt là BĐS nhà ở.
Cuối cùng là ngân hàng, ngành này theo ông có các yếu tố mang tính thuận lợi nhờ gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Mức độ tăng trưởng tín dụng khả quan, nhất là những ngân hàng tầm trung có thể đạt trên 20%.
Tuy nhiên, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ phân hóa bởi mức độ nợ xấu năm 2021 là 8%. "Do đó, năm nay ngân hàng phân hóa cao, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn khả quan nhưng mang tính chọn lọc nhiều", ông nhận định.
Lạm phát và khối ngoại bán ròng: Không quá lo ngại
Hơn một năm trở lại đây đã diễn ra hiện tượng khối ngoại bán ròng. Gần đây nhất, khối ngoại cũng đã bán ròng 6 phiên liên tiếp.
Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐTV Công ty Chứng khoán Everest cho rằng việc dòng vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của nền kinh tế vĩ mô. Có thể thấy, lạm phát, lãi suất đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thêm vào đó, giá dầu, hàng hóa… đang trở lại trong vài năm trở lại.
Đây đều là các dấu hiệu đáng lo ngại, nhất là khi nền kinh tế mở. Dù vậy, đại diện Everest vẫn tin tưởng các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ sẽ lấy các kinh nghiệm từ lần gần nhất vào năm 2011 để vượt qua. "Thời điểm đó, lạm phát ở ngưỡng khoảng 20% và ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, VN-Index giảm 2 lần. Cụ thể, giảm lần 1 xuống 420 điểm và lần 2 thì xuống khoảng 380 điểm. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách tiền tệ, tài khóa, chúng ta đã chặn đứng được và nền kinh tế trở lại nhịp bình thường" - ông nói.
"Chúng tôi vẫn nhận định khá lạc quan. Sau đại dịch, kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine, Việt Nam vẫn phát huy nhiều cơ hội, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng liên tục nhưng sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán" - ông nói thêm.
Ông Lê Hoàng Phương, Trưởng phòng Chiến lược thị trường Chứng khoán Bảo Việt cho biết, về mặt lạm phát, đây là yếu tố phải quan sát, nhưng không cần quá lo ngại bởi chính sách FED cần một khoảng thời gian rất lâu để thích nghi với thị trường, khoảng từ 18 tháng, tùy thuộc vào nền kinh tế. "Nhìn xa hơn, liệu lạm phát có kéo dài không hay chỉ là yếu tố mang tính chất hàng quý, hàng năm" - ông đặt câu hỏi.
Ông cho rằng TTCK vẫn tích cực nhưng cần "vạch lá tìm sâu". "Ví dụ, khi giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng tích cực tới vận tải hàng không nhưng khi mở cửa du lịch, nhóm ngành dịch vụ ăn uống ở hàng không, kho bãi sẽ phát triển " - ông nói.
Ông cũng nói thêm, 2022 là năm tích cực với TTCK vì có thể hoàn thành hệ thống giao dịch mới. Khi điều này xảy ra, TTCK Việt sẽ hấp dẫn hơn, đảo ngược lại xu hướng của khối ngoại, từ đó họ sẽ bơm ròng vào TTCK.
Yếu tố quyết định là việc lựa chọn cổ phiếu
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Ông chỉ ra 3 yếu tố giúp cho đà tăng này, gồm: nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận); điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp) và tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).
Mục tiêu của ông Nguyễn Thế Minh đặt ra cho VN-Index vào cuối năm 2022 là 1.898 điểm, tương ứng với mức tỉ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường (tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường).
Theo ông Minh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đạt mức tương tự như thị trường Đài Loan năm 1988, với lượng người tham gia chứng khoán đạt khoảng 4% dân số. Thị trường Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong cùng khu vực Châu Á vào năm 2021, nhưng vẫn là một thị trường khá rẻ so với triển vọng tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam.
Ông Minh chỉ ra, cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ không dễ dàng, các chỉ số tiếp tục tăng nhưng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ thấp hơn so với năm 2021. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng yếu tố quyết định đến tăng trưởng là việc lựa chọn cổ phiếu với hai yếu tố lọc phù hợp với giai đoạn lạm phát và lãi suất tăng trong năm 2022 là định giá thấp và duy trì tăng trưởng.
Trong đó, ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản được xem là hai nhóm ngành có thể thay thế nhau dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm 2022. Ngoài ra, ngành tiêu dùng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021.