Tâm lý rút tiền lan rộng khiến chỉ số lao dốc mạnh, VN-Index đã mất mốc tâm lý 1.000 điểm ngay trong ngày đầu của tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022. Sắc đỏ lấn lướt trên cả 3 sàn với 695 mã giảm, trong đó có đến 171 mã giảm sàn.
Kết phiên giao dịch ngày 26/12, chỉ số đại diện sàn HoSE lao dốc 35,13 điểm (-3,44%) xuống 985,21 điểm. Như vậy, VN-Index đã chính thức thủng mốc 1.000 điểm sau gần một tháng duy trì trên mốc quan trọng này nhờ dòng tiền ngoại.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến xấu để gây tác động tiêu cực nhất lên thị trường chung. Trong đó rổ chỉ số VN30 ghi nhận mức giảm 46,36 điểm (-4,48%) với 29/30 mã giảm giá (trong đó có đến 8 mã trụ cột giảm sàn) và chỉ duy nhất một mã giữ được sắc xanh. Thanh thanh khoản sàn HoSE chiếm 9.976 tỷ đồng, tăng gần 10% so với mức thấp cuối tuần trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng
Chỉ tính riêng vốn hóa HoSE theo đó bị thổi bay gần 140.000 tỷ đồng (~6 tỷ USD), xuống còn 3,93 triệu tỷ đồng. Mức giảm 3,44% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 26/12.
Diễn biến tại các sàn chứng khoán ở Hà Nội tương tự. HNX-Index bị bán tháo 6,8 điểm (-3,31%) về 198,5 điểm.
Mặc dù là phiên bán tháo, thanh khoản thị trường không có nhiều nổi bật với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 11.935 tỷ đồng. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng với việc mua ròng mạnh 437 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các cổ phiếu được mua nhiều vẫn là những cái tên lớn như HPG (128 tỷ), VCB (39 tỷ) hay PVD (35 tỷ).
Sau phiên lao dốc mạnh đầu tuần, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 27/12, chuyên gia các công ty chứng khoán tỏ ra rất thận trọng.
Theo chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc), khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Dự báo trong phiên giao dịch 27/12, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 970-980 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 950-960 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá về góc nhìn kỹ thuật, các chỉ báo đồng loạt hướng xuống cho tín hiệu tiêu cực khi VN-Index liên tục đánh mất các mốc điểm hỗ trợ. Với diễn biến hiện tại, nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung rơi xuống dưới khu vực 980 điểm thì sẽ xác nhận VN-Index đã hoàn tất sóng phục hồi 4 và bước vào sóng 5 giảm theo lý thuyết sóng. Khi đó áp lực bán có thể sẽ trở nên mạnh hơn và các nhà đầu tư không nên loại trừ xác suất trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra. Thêm vào đó 2 chỉ báo thể hiện sức mạnh xu hướng là ADX và DI- đang có xu hướng dốc lên cho thấy quán tính giảm điểm vẫn đang tiếp diễn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động đứng ngoài quan sát thị trường, nâng cao tỷ trọng tiền mặt nếu như VN-Index đánh mất mốc hỗ trợ 980 và tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cho chỉ số chung tìm lại được điểm cân bằng sau nhịp giảm điểm.
Tương tự, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng thị trường có thể tiếp tục đà giảm vào đầu phiên ở phiên kế tiếp (27/12) và thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ gần nhất là 970 điểm và có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng cho thấy xu hướng giảm có thể mở rộng về các mức thấp hơn ở những phiên giao dịch tới (27/12). Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đang bi quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp và chưa nên mua vào lúc này.
Hoàng Nam