Chiều 10/7, tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM, đại diện Sở Nội vụ Tp.HCM đã báo cáo về tình hình thị trường lao động trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM, thông tin, 6 tháng đầu năm 2025, Tp.HCM (mới) ghi nhận gần 100.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng đó không phải là tín hiệu tiêu cực. Ngược lại, thị trường lao động đang “nóng” với hơn 90.000 vị trí cần tuyển trong quý III, mở ra hàng loạt cơ hội việc làm sau sáp nhập địa giới hành chính.
Theo Sở Nội vụ Tp.HCM, tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm 20,65% so với cùng kỳ 2024 - một con số tích cực cho thấy xu hướng người lao động chủ động chuyển hướng từ nhận trợ cấp sang tìm việc, học nghề. Đáng chú ý, số người tham gia đào tạo nghề tăng 5%, chứng tỏ nhu cầu nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp ngày càng rõ nét.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM thông tin về thị trường lao động tại Tp.HCM sau sáp nhập.
Hiện nay, lao động phổ thông chiếm tới 58% nhu cầu tuyển dụng, tập trung tại các ngành: dệt may, giày da, lắp ráp điện tử... Sự gia nhập của lực lượng lao động từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sau hợp nhất đã tạo thêm nguồn cung dồi dào.
Để ổn định thị trường, Tp.HCM đã ban hành Đề án hỗ trợ toàn diện cho cán bộ, viên chức và người lao động nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy, gồm: giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển nghề, hỗ trợ vay vốn, mua và thuê mua nhà ở xã hội.
Không dừng lại ở đó, các sàn giao dịch việc làm định kỳ được đẩy mạnh, kết nối lao động với doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng cả kênh truyền thống lẫn trực tuyến, hướng tới phương châm: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng theo bà Hằng, sau sáp nhập, Tp.HCM không chỉ tái cấu trúc bộ máy hành chính, mà còn đặt nền móng cho một thị trường lao động linh hoạt, thích ứng nhanh, nơi mỗi công dân đều có cơ hội để làm lại và tiến xa hơn.