Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc bây giờ và ở đây

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc bây giờ và ở đây

Thứ 5, 11/07/2013 | 17:50
0
Hồi tôi mới đi tu, lúc 16 tuổi, thầy tôi có trao cho tôi một quyển sách gồm 60 bài thi kệ để học thuộc lòng. Bất kỳ vị xuất gia nào cũng phải học thuộc các bài thi kệ này để thực tập chánh niệm. Bài thi kệ đầu tiên là bài thức dậy buổi sáng:

“Thức dậy miệng mỉm cười

Hai bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Tất cả các bài thi kệ đều có bốn câu. Mỗi câu của bài thi kệ đi theo một hơi thở, câu đầu đi với hơi thở vào, câu thứ hai đi với hơi thở ra. Khi mình thở vào, thở ra và thầm đọc bài kệ, mình sẽ ý thức được rõ ràng mình thực sự đang làm gì. Buổi sáng khi chúng ta thức dậy, chúng ta nhận ra là mình đang còn sống và sự sống đang có mặt xung quanh ta. Chúng ta nhận ra 24 giờ là một món quà của sự sống và chúng ta nguyện sống thật sâu sắc với những giờ phút quý báu này. 

Nhịp sống - Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc bây giờ và ở đây

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Khi chúng ta thực tập như vậy, hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay tức thì. Đối với tôi, sự kiện rằng mình đang còn sống là một điều kỳ diệu; chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để ta ăn mừng rồi. Vì vậy, chỉ cần thở vào và ý thức rằng mình đang còn sống đã là một phương pháp thực tập giúp mang lại hạnh phúc rồi.

Còn có một bài thi kệ để thực tập khi chải răng. Khi thực tập bài thi kệ này, chúng ta có thể biến hai hay ba phút chải răng thành những giây phút hạnh phúc. Tôi nay đã trên 80 tuổi, vậy mà mỗi lần chải răng tôi vẫn thấy vui. Tôi nghĩ thật là hạnh phúc quá chừng, ở tuổi này rồi mà tôi vẫn còn răng để chải!

Tôi cũng có làm thêm những bài thi kệ mới để thực tập. Khi tôi còn là một sadi, ở Việt Nam thời đó, người tu không đi xe hơi, thậm chí là không lái xe đạp. Tôi là người tu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng xe đạp. Vì vậy mà tôi có làm một bài kệ để thực tập khi lái xe đạp. Sau này tôi có làm thêm nhiều bài thi kệ mới, chẳng hạn như bài kệ dùng khi sử dụng điện thoại hoặc khi đi máy bay.

Sử dụng những bài thi kệ này luôn mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc. Những bài thi kệ có tác dụng giúp cho ta ý thức về những gì ta đang làm trong giây phút hiện tại và chúng ta có thể làm những việc đó với nhiều niềm vui. Bụt có chỉ dạy cho chúng ta một giáo pháp mà tôi cho là rất quan trọng, đó là giáo pháp Hiện pháp Lạc trú. Theo giáo pháp này, chúng ta đã có đầy đủ, nếu không muốn nói là quá dư thừa, những điều kiện để có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Chúng ta không cần đi tìm kiếm hạnh phúc ở tương lai. Nếu chúng ta biết đem tâm trở về với thân và thiết lập thân tâm hợp nhất trong giây phút hiện tại thì chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.

Nhiều người trong chúng ta tin rằng hạnh phúc chưa thể có được trong hiện tại và cần phải có nhiều điều kiện hơn nữa thì ta mới thực sự hạnh phúc. Đó là lý do tại sao chúng ta cứ tiếp tục chạy theo những đối tượng mà mình tìm cầu. Làm như vậy thì chúng ta khổ. Bụt khuyên chúng ta nên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có sẵn cho ta ngay trong giây phút này. Trong nhiều kinh, Đức Thế Tôn đã dạy rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới; chỉ có duy nhất một giây phút mà ta có thể thực sự sống, đó là giây phút hiện tại. 

Một ngày nọ, có một thương gia đến thăm Bụt. Đi cùng với ông còn có vài trăm thương gia khác. Hôm đó, Bụt đã thuyết giảng cho họ nghe về giáo pháp Hiện pháp Lạc trú. Bụt biết rất rõ rằng các vị thương gia này đang lo nghĩ quá nhiều về những thành tựu trong tương lai. Họ không có thời gian cho chính mình và cho những người mà họ thương yêu. Vì vậy mà Bụt đã dạy rằng, “Này các vị, các vị đừng tìm kiếm hạnh phúc ở tương lai. Hạnh phúc đang có sẵn cho quý vị ngay bây giờ và ở đây.”

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt đã chỉ bày cho chúng ta những bài thực tập cụ thể giúp chế tác niềm vui (hỷ) và hạnh phúc (lạc). Bài thực tập thứ năm chỉ cho chúng ta phương pháp để chế tác hỷ và bài thực tập thứ sáu chỉ cho chúng ta phương pháp để chế tác lạc. Giáo pháp của Đức Thế Tôn về phương pháp chế tác an lạc, hạnh phúc là một giáo pháp rất rõ ràng và sâu sắc. Nếu chúng ta biết cách tạo ra năng lượng niệm và định thì chúng ta có thể tiếp xúc với vô vàn những điều kiện hạnh phúc đang có mặt cho ta ngay bây giờ và ở đây. Chẳng hạn như khi chúng ta tiếp xúc với hai mắt: “tôi đang thở vào và có ý thức về hai mắt của tôi; tôi đang thở ra và mỉm cười với hai mắt tôi”.

Khi ta thực tập như vậy thì tuệ giác sẽ phát sinh. Chỉ trong hai hay ba giây là ta có thể nhận thấy rằng đôi mắt của mình vẫn còn tốt, còn sáng. Chuyện hai mắt mình vẫn còn sáng là một điều mầu nhiệm, một phép lạ. Một thiên đường của màu sắc và hình ảnh đang có mặt cho mình. Khi mình ngồi trên bãi cỏ, chỉ cần mở mắt ra là mình có thể tiếp xúc được với thiên đường đó ngay bây giờ và ở đây. Đối với một người bị khiếm thị thì mơ ước sâu sắc nhất của họ là làm sao cho mắt họ sáng lại, để họ có thể tận hưởng được thiên đường của màu sắc và hình ảnh như chúng ta. Vì vậy mà đôi mắt là một trong những điều kiện căn bản để có hạnh phúc. Ta chỉ cần thở vào để thắp sáng ý thức rằng chúng ta đang có một đôi mắt sáng.

Ta cũng có thể thực tập tiếp xúc với trái tim mình: “Tôi đang thở vào và ý thức về trái tim của tôi, tôi đang thở ra và tiếp xúc với trái tim của tôi”. Khi chúng ta sử dụng năng lượng chánh niệm thì chúng ta sẽ khám phá ra trái tim ta đang hoạt động một cách bình thường. Có biết bao nhiêu người không có được trái tim hoạt động bình thường, họ có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ bất cứ lúc nào. Điều mong ước sâu sắc nhất của họ là có được một trái tim bình thường như chúng ta. Vì vậy, khi ta thở vào và ý thức về trái tim của mình thì ta tiếp xúc được với một điều kiện hạnh phúc đã có sẵn trong ta.

Nếu ta cứ tiếp tục thực tập như vậy thì ta sẽ tiếp xúc được với vô vàn những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong ta. Trong kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, Bụt dạy ta về phương pháp quán chiếu cơ thể. Theo phương pháp này, ta sử dụng ánh sáng chánh niệm để quán chiếu cơ thể; trong quá trình quán chiếu, ta đi ngang qua và ý thức rõ ràng về tất cả các bộ phận của cơ thể từ đỉnh đầu cho đến các ngón chân.

Những điều kiện hạnh phúc không chỉ có mặt trong ta mà còn có mặt xung quanh ta. Nếu chúng ta ngồi xuống và lấy ra một tờ giấy để viết xuống tất cả những điều kiện hạnh phúc mà ta đã có thì tôi tin chắc là hai trang giấy dành cho chúng ta sẽ không đủ.

(Còn tiếp)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Theo Bangkokpost.com)

Thiền sư Việt Nam đầu tiên khuất phục Hymalaya thỉnh Xá lợi

Thứ 6, 28/06/2013 | 07:24
Ở tuổi 50, thiền sư Minh Tịnh vẫn một lần nữa khiến thế giới Phật giáo ngỡ ngàng, kính phục khi quyết tâm bộ hành vượt dãy Hymalaya viếng Nepal. Tại đây, ông vinh dự trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên vượt Hymalaya và cũng là thiền sư Việt Nam đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật, bảo vật vô giá của Phật giáo nói riêng và khoa học nói chung.

Những lời tiên tri chính xác 99,99% của các thiền sư Việt

Thứ 6, 14/06/2013 | 16:56
Thông qua những câu sấm truyền, nhiều thiền sư Việt Nam đã tiên đoán chính xác những sự kiện diễn ra sau hàng thế kỷ.

Chuyện đời kỳ lạ của đại thiền sư, trạng nguyên nước Việt

Thứ 6, 14/06/2013 | 16:17
Là vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền sư Huyền Quang được hậu thế tôn xưng là một Đại thiền sư Việt nam, có vị trí ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Quốc và 28 vị tổ của Thiền Ấn Độ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể chuyện tình yêu và tình dục

Thứ 5, 23/05/2013 | 14:25
'Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau'.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về bí quyết hạnh phúc

Chủ nhật, 11/08/2013 | 18:57
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: 'Chúng tôi chỉ làm tối đa những gì có thể làm được, còn có lẽ phải nhờ một sự kì diệu nào đó, một ngày họ sẽ nhận ra thì đó là hạnh phúc của họ, và đó chính là sự giác ngộ'.

Cuộc đời của một thiền sư nổi tiếng thế giới

Thứ 5, 13/06/2013 | 15:05
Thiền sư Philip Kapleau được xem là người có công lao đặc biệt quan trọng trong việc truyền bá đạo Phật nói chung và thiền tông nói riêng tại Hoa Kỳ. Cuộc đời tu thiền của Philip Kapleau đã trải qua không ít những khó khăn, gian khổ nhưng cũng vì thế mà đầy ắp những câu chuyện thú vị.