Hệ thống HIMARS khai hỏa trong đêm (ảnh: RT)
RT hôm 29.7 dẫn lời Anton Gerashchenko – cố vấn cấp cao tại Bộ Nội vụ Ukraine – cho hay, Mỹ đã không cung cấp cho Kiev các thiết bị đi kèm cần thiết để hệ thống HIMARS xác định chính xác mục tiêu.
“HIMARS và các loại pháo hạng nặng là bước khởi đầu tốt, nhưng nếu không có thiết bị để tìm và xác định mục tiêu, chúng tôi chỉ có thể bắn trong mù lòa”, ông Anton Gerashchenko nói trong cuộc phỏng vấn với Newsweek.
Phát biểu của ông Gerashchenko được đưa ra trong bối cảnh Nga và phe ly khai miền đông liên tục cáo buộc quân đội Ukraine tấn công nhầm vào các mục tiêu dân sự. Ở Kherson, chính quyền do Nga hậu thuẫn cũng tuyên bố quân đội Ukraine gây thiệt hại cho dân thường bằng các hệ thống pháo, tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ.
Hôm 29.7, phe ly khai cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS tấn công một trại giam tù binh ở Donetsk, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng, hơn 130 người bị thương. Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo Lầu Năm Góc, tính đến ngày 22.7, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 hệ thống HIMARS. Mỹ không cho biết có gửi kèm các thiết bị dò tìm, xác định mục tiêu đi kèm với hệ thống HIMARS cho Ukraine hay không.
RT cho hay, vài tuần gần đây, quân đội Ukraine liên tục than thở về vấn đề thiếu đạn cung cấp cho hệ thống HIMARS và yêu cầu Mỹ viện trợ nhiều hơn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine chưa sử dụng tốt hệ thống tên lửa này.
Nhiều sự cố xảy ra với vũ khí phương Tây khi gửi đến Ukraine (ảnh: RT)
Cùng ngày 29.7, Der Spiegel (báo Đức) đưa tin, hàng loạt khẩu pháo Đức viện trợ cho Ukraine đã bị hư hỏng do không được sử dụng đúng cách. Pháo Đức được cho là phải hoạt động quá tải với tần suất bắn của quân đội Ukraine.
“Một số trong lô pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 Đức gửi Ukraine hồi cuối tháng 6 đang có dấu hiệu hư hỏng”, Der Spiegel đưa tin, dẫn nguồn ẩn danh từ quân đội Đức.
Theo Der Spiegel, vấn đề với các hệ thống Panzerhaubitze 2000 bắt nguồn từ việc quân đội Ukraine bắn quá nhiều hàng ngày, khiến thiết bị nạp đạn bị hỏng. Mỗi hệ thống Panzerhaubitze 2000 chỉ có thể bắn 100 quả đạn/ngày trong chế độ hoạt động “cường độ cao”. Tuy nhiên, quân đội Ukraine được cho là bắn nhiều hơn số này.
Trong bối cảnh đạn pháo khan hiếm, quân đội Ukraine sử dụng cả những loại đạn không tương thích với Panzerhaubitze 2000, theo Der Spiegel. Quân đội Đức đang cố gắng giúp Ukraine khắc phục tình trạng này.
Vương Nam – RT