Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá chỉ từ 50 nghìn đồng/kg nhưng vẫn ế

Thứ 3, 06/09/2022 14:28

Với mức giá nhập khẩu trung bình đạt 2.153 USD/tấn, bình quân thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chỉ có giá từ 50-60 nghìn đồng/kg và bán ra thị trường chỉ từ 55-99 nghìn đồng/kg, rẻ chỉ bằng 1/2 giá thịt lợn trong nước nhưng vẫn ế.

Theo khảo sát của PV, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống và các siêu thị trên địa bàn Hà Nội dao động ở mức từ 99-250 nghìn đồng/kg. Cụ thể, sườn thăn Meat Deli có giá 241 nghìn đồng/kg; nạc vai có giá 131,9 nghìn đồng/kg; chân giò rút xương có giá 145 nghìn đồng/kg; ba chỉ có giá 161,9 nghìn đồng/kg, nạc thăn có giá 161,9 nghìn đồng/kg…

img

Thịt lợn ba chỉ quế được bán tại siêu thị có giá 229 nghìn đồng/kg.

Tại các chợ truyền thống như chợ Thổ Quan, chợ Văn Chương, Kim Liên, Phùng Khoang, ba chỉ lợn có giá từ 150 nghìn đồng/kg; vai sấn, mông sấn là 130 nghìn đồng/kg; thịt chân giò rút xương có giá 140 nghìn đồng/kg; sườn non có giá 170 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, thịt lợn nhập khẩu được rao bán với giá khá rẻ, chỉ từ 60 nghìn đồng/kg. Đơn cử như ba chỉ Nga từ 90-100 nghìn đồng/kg; chân giò nguyên chiếc chỉ 65 nghìn đồng/kg; sườn non chỉ 95 nghìn đồng/kg.

Đối với các cửa hàng bán buôn, giá thịt lợn ba chỉ nhập khẩu sỉ nguyên thùng 20-25kg là 88 nghìn đồng/kg; chân giò nguyên chiếc chỉ 45 nghìn đồng/kg; sườn non chỉ 87 nghìn đồng/kg.

img

Giá thịt lợn nhập khẩu chỉ rẻ bằng 1/2 giá thịt lợn trong nước.

Mặc dù giá thịt lợn nhập khẩu chỉ rẻ bằng 1/2 thịt lợn trong nước nhưng sức mua tương đối chậm, không được bày bán trực tiếp ở các chợ truyền thống mà chủ yếu rao bán qua các đơn vị nhập khẩu, các cửa hàng chuyên bán đồ đông lạnh.

Trao đổi với PV, anh Minh, chủ cửa hàng chuyên bán thịt lợn đông lạnh tại Hà Nội cho biết, đa số khách hàng mua hàng nhập khẩu là siêu thị, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể với sức mua tương đối chậm.

“Giá rẻ chỉ bằng nửa nhưng vẫn rất khó tiêu thụ vì người tiêu dùng chủ yếu vẫn có thói quen ăn thịt tươi, mới giết mổ trong ngày nên hàng bán ra chỉ bằng 1/2 so với dịp Tết hoặc đầu năm”, anh Minh nói.

img

Khách hàng truyền thống vẫn ưa chuộng thịt lợn nóng, mới giết mổ trong ngày mặc dù giá khá cao.

Thông tin từ Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 61.480 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với trị giá 140,56 triệu USD, giảm 5,2% về lượng nhưng tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 350.860 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá gần 790 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Riêng đối với sản phẩm thịt lợn, từ đầu năm đến nay sản lượng nhập khẩu mặt hàng này liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng trong nước tiếp tục được phục hồi.

img

Tại các siêu thị cũng chủ yếu bán thịt lợn tươi sống.

Trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 10,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá 21,58 triệu USD, giảm 31,2% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55,21 nghìn tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Với mức giá nhập khẩu trung bình đạt 2.153 USD/tấn, bình quân thịt lợn nhập khẩu có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá bán ra tại thị trường hiện cũng phổ biến ở mức từ 55.000 – 99.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng thịt lợn đông lạnh hiện tại vẫn nhập về chủ yếu phục vụ nhà hàng, quán ăn…. Thế nhưng, sau đại dịch, các đầu mối này cũng hạn chế lấy thịt lợn nhập khẩu khiến giá liên tục đi xuống.

Hơn nữa, dù giá thịt nhập khẩu thấp hơn thịt lợn trong nước nhưng do thói quen tiêu dùng, nhiều người Việt chỉ ưa chuộng thịt nóng nên dù giá rất thấp nhưng khó tiêu thụ.

Nhận định từ Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm nhưng mức giảm đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây nhờ các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt nhiều hơn.

Tuy nhiên, thịt lợn nhập khẩu vẫn không dễ cạnh tranh với thịt lợn trong nước, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước đang đứng ở mức hợp lý đối với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. 

Hồng Cảnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.