Thổ Nhĩ Kỳ càng bị "vùi dập đau đớn" Nga càng đắc thắng?

Thổ Nhĩ Kỳ càng bị "vùi dập đau đớn" Nga càng đắc thắng?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 11/01/2021 19:45

Thổ Nhĩ Kỳ đang lĩnh nhiều vết thương đau đớn nhưng dường như vẫn không chịu từ bỏ "cuộc tình ngang trái" với Nga.

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ càng bị 'vùi dập đau đớn' Nga càng đắc thắng?

S-400 bị coi là một sai lầm của Ankara.

Chỉ ba ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đón nhận các biện pháp trừng phạt nặng nề của châu Âu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiếp tục đón thêm một tin không vui khác khi đến lượt Mỹ cũng giáng đòn trừng phạt.

Chuyên gia Burak Bekdil từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat nhận định, trong trò chơi ba bên này, Thổ Nhĩ Kỳ là bên thua, Nga là bên thắng và phương Tây ở thế hòa.

Những vết thương

Tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10-11/12, các nhà lãnh đạo EU nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt nhẹ đối với một số quan chức và thực thể Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc thăm dò năng lượng ở vùng biển Địa Trung Hải đang tranh cãi. Châu Âu trì hoãn các biện pháp trừng phạt trừng phạt nặng hơn, bao gồm thuế quan thương mại hoặc lệnh cấm vận vũ khí, để tham khảo ý kiến ​​của chính quyền Biden sắp tới.

Nhưng vào ngày 14/12, Mỹ đã nổ phát súng bất ngờ sau đó, tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì đã mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ cấm tất cả các giấy phép và ủy quyền xuất khẩu đối với cơ quan mua sắm quốc phòng SSB của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ban hành các hạn chế về tài sản và thị thực đối với chủ tịch SSB và các quan chức công nghiệp quốc phòng khác của nước này.

Đây không phải là cái giá duy nhất mà Ankara phải trả cho “mối tình” với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả 2,5 tỷ USD cho một hệ thống phòng thủ mà nước này có thể sẽ không bao giờ sử dụng. Trong mùa hè vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm kích hoạt hệ thống S-400 và sau đó lại cất đi. Vũ khí của Nga có vẻ như là một thiết bị khá đắt tiền cho việc chỉ để đóng gói trưng bày.

Ngoài ra, thương vụ mua S-400 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải rời bỏ chương trình chế tạo máy bay chiến đấu F-35 thế hệ tiếp theo với Mỹ, khiến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này mất khoảng 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Kịch bản này cũng tước đi tài sản hỏa lực chiến lược của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Để vết thương càng thêm phần đau đớn, những chiếc F-35 đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lỡ giờ sẽ đến với lực lượng không quân của đối thủ là Hy Lạp.

Và đó không phải là tất cả. CAATSA hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm “tất cả các giấy phép xuất khẩu”, có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể xuất khẩu bất kỳ hệ thống vũ khí nào cho các nước bên thứ ba nếu những hệ thống đó bao gồm các bộ phận do Mỹ sản xuất. Máy bay trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình.

Năm 2018, cơ quan hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ TAI đã ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD để bán lô 30 trực thăng tấn công T129 cho Pakistan. Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đã chính thức giết chết thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD.

Nằm trong tính toán của Nga?

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ càng bị 'vùi dập đau đớn' Nga càng đắc thắng? (Hình 2).

Trò chơi ba bên đang cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là người thua.

Một chương trình quốc phòng chiến lược khác của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng là sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực bản địa đầu tiên của nước này, Altay. Xe tăng thế hệ tiếp theo sẽ được trang bị động cơ và hệ truyền động của Đức nếu Thổ Nhĩ Kỳ không bị Đức cấm vận. Các vòng đàm phán bất tận với các nhà sản xuất phương Tây thay thế đã thất bại. Các quan chức mua sắm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã chuyển sang Hàn Quốc để tìm một giải pháp có thể cứu vãn chương trình Altay vốn đang chậm trễ.

Đầu năm nay, Chính phủ Canada đã đình chỉ xuất khẩu các bộ phận quan trọng của máy bay không người lái sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các cảm biến công nghệ cao và công nghệ nhắm mục tiêu do L3Harris WESCAM, một công ty có trụ sở tại Ontario, sản xuất, đã được sử dụng trong máy bay không người lái vũ trang tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Bayraktar TB2.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thành công TB2 trong cuộc chiến chống lại các tay súng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria, đảo ngược cuộc chiến ở Libya. Gần đây nhất, có báo cáo rằng TB2 đã được sử dụng bởi quân đội Azeri trong cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh.

Bất chấp những đau đớn nói trên, Tổng thống Erdogan không chịu thừa nhận những sai lầm hay thất bại của mình. Vào năm 2019, khi mối đe dọa về các lệnh trừng phạt của Mỹ đã rõ ràng, ông Erdogan khẳng khái nói rằng ngoài việc mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ cùng sản xuất S-500, một phiên bản tiên tiến khác.

Gần đây nhất vào tháng 8/2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng chuyển giao lô S-400 thứ hai.

Hẳn Tổng thống Vladimir Putin đã tính toán ngay từ đầu, các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đẩy đồng minh NATO đi sâu hơn vào quỹ đạo của Moscow, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng.

Điều này sẽ mở đường cho các nỗ lực thăm dò để xem Nga có thể cung cấp hệ thống nào cho Thổ Nhĩ Kỳ và mức độ chuyển giao công nghệ (hạn chế) mà nước này có thể cho phép. Và tại sao không? Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành đồng minh NATO đầu tiên có máy bay chiến đấu của Nga trong phi đội của mình.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.