Theo tạp chí Drive, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đưa 10 máy bay không người lái Banshee do Anh sản xuất đến khu quân sự Sinop tại thời điểm hệ thống phòng không S-400 vừa được chuyển đến đây. Theo tạp chí này, máy bay không người lái Banshee có thể được sử dụng để kiểm tra năng lực của S-400 mà Ankara mua từ Nga.
Mặc dù các hoạt động thử nghiệm chưa bao giờ được xác nhận chính thức, nhưng trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số video ghi lại hình ảnh vệt tên lửa trên bầu trời gần Sinop vào ngày 16/10. Trước đó, đã có những video ghi lại quá trình vận chuyển hệ thống tên lửa S-400 đến thành phố Sinop, nằm trên bờ Biển Đen.
Sputnik dẫn nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng cho biết, các cuộc thử nghiệm đã diễn ra thành công. Cũng theo nguồn tin này, S-400 đã bắn hạ thành công 3 mục tiêu bằng 3 tên lửa.
Các báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình thử nghiệm S-400 đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ, trong đó bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ lên tiếng phản ứng vụ thử nghiệm, nếu hoạt động này có thật. Washington còn đe dọa Ankara về những hậu quả đối với hợp tác song phương, nếu có quyết định thử nghiệm hệ thống phòng thủ tiên tiến mua từ Nga.
"Nếu được xác nhận, chúng tôi sẽ lên án bằng những phản ứng mạnh mẽ nhất, do thử nghiệm S-400 là không phù hợp với trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh NATO và đối tác chiến lược của Mỹ", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết.
Washington tuyên bố S-400 của Nga không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO, cáo buộc rằng Điện Kremlin có thể sử dụng S-400 bán cho Thổ Nhĩ Kỳ để phát hiện điểm yếu của các máy bay Mỹ, bao gồm cả F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề nghị Nhà Trắng cùng tìm ra giải pháp cho những tranh cãi trên, nhưng Washington đã bác bỏ và kiên quyết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống hoặc là không kích hoạt, đồng thời đe dọa sẽ giáng đòn trừng phạt vào nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi những yêu cầu này là không thể chấp nhận được.