Người Kurd gặp nguy
Thị trấn Ain Issa do người Kurd kiểm soát đã trở thành tâm điểm của những căng thẳng mới ở đông bắc Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang muốn tiến hành một chiến dịch quân sự mới nhằm xóa bỏ thành trì của người Kurd trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Trong nỗ lực ngăn chặn động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga đã ép Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG) nhượng lại quyền kiểm soát khu vực cho Chính phủ Syria.
Theo các nguồn tin địa phương, người Nga hiện đang thúc ép người Kurd giao Ain Issa cho Chính phủ Syria, đồng thời cảnh báo rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân đồng minh đang quyết tâm chiếm giữ thị trấn này.
Ain Issa - nằm ở phía Đông sông Euphrates đã chứng kiến các cuộc tấn công ngày càng tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Quân đội Quốc gia Syria (SNA) kể từ tháng 11.
Tuần trước, các cuộc pháo kích không ngừng đã buộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo phải ký một thỏa thuận ba bên với Nga và quân đội Syria để thiết lập ba trạm quan sát chung trong khu vực, với mục đích giám sát lệnh ngừng bắn.
Theo thỏa thuận này, các lực lượng người Kurd sẽ kéo quân trở lại ranh giới 32 km từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Ain Issa vẫn chịu áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù nơi đây nằm ngoài ranh giới 37 km từ biên giới.
Người Nga cảnh báo rằng mối đe dọa đã tăng cao nghiêm trọng và yêu cầu SDF rút khỏi thị trấn để nhường quyền kiểm soát quân sự và dân sự cho Damascus. SDF từ chối, nói rằng họ sẽ chiến đấu để bảo vệ thị trấn chiến lược, theo các nguồn tin.
Từ lâu nay Người Kurd từ lâu đã phàn nàn về sự thờ ơ của Nga đối với các vi phạm ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ. Với tư cách là người bảo đảm cho thỏa thuận Sochi, Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Ain Issa là nơi có trung tâm điều phối của Nga, được thiết lập tại căn cứ mà lực lượng Mỹ đã sơ tán vào năm ngoái. Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, sự leo thang đã buộc khoảng 4.500 người, tương đương 40% dân số, phải chạy trốn khỏi Ain Issa và 2.500 người phải di dời khỏi các ngôi làng xung quanh.
Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ
Ankara chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm quét sạch người Kurd ở Syria đang hiện diện gần biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là mối đe dọa an ninh, đồng thời đã tiến hành nhiều chiến dịch tấn công. Để đảm bảo an toàn, Nga đã đề nghị người Kurd giao lại lãnh thổ cho chính quyền Syria. Bên cạnh lý do chống lại người Kurd, Ankara được cho là có tham vọng mở rộng thêm ảnh hưởng ở Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn chiếm Ain Issa, nhưng vấn đề không chỉ giới hạn ở thị trấn này. Sau khi chiếm được Ain Issa, họ có thể quay sang Raqqa và sau đó tìm kiếm một vị trí ảnh hưởng đến các mỏ dầu ở Deir ez-Zor. Bằng cách chiếm Ain Issa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cắt đứt kết nối giữa Kobani và Jazira”, một nguồn tin người Kurd nói với Al-Monitor. Bên cạnh đó, Ankara sẽ gây áp lực lên thành phố Manbij bị bao vây ở phía Tây sông Euphrates.
Về tính toán của Nga, nguồn tin cho biết: “Người Nga đang cố gắng sử dụng mối đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo lợi ích cho chính quyền Syria như đã làm ở Afrin. Chính phủ Syria không thích trao thêm không gian cho Thổ Nhĩ Kỳ. Và một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ain Issa có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chà đạp thỏa thuận mà Nga là người bảo lãnh".
Quan hệ đối tác ba bên ở Ain Issa có thể không ngăn chặn được hoàn toàn các nỗ lực tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía Đông sông Euphrates nếu không có thêm các biện pháp hạn chế tương tự như các biện pháp ngăn chặn Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2019.
Cú hãm đầu tiên là thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ vào ngày 17/10/2019, tiếp theo là thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Sochi vài ngày sau đó. Thỏa thuận Sochi hạn chế quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với dải biên giới giữa Tell Abyad và Ras al-Ain kéo dài 32 km về phía Nam đến đường cao tốc M4.
YPG đã đồng ý rút lui khỏi ranh giới đó, với quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria triển khai thay thế. Thỏa thuận cũng quy định các cuộc tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ-Nga dọc theo ranh giới phía Đông và phía Tây của khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Nếu sự hợp tác ba bên ở Ain Issa được duy trì và tiến triển, điều này có thể cản trở kế hoạch mở rộng kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo đường M4 để duy trì “hành lang chống người Kurd” dọc theo biên giới.
Trong kịch bản đầy rủi ro của người Kurd hiện tại, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những tính toán chiến lược khác nhau để gặt hái lợi ích.
Mối đe dọa tấn công người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đang phục vụ các kế hoạch của Nga nhằm dọn đường cho việc quân đội Syria dần dần quay trở lại phía Đông sông Euphrates, kiểm soát các vùng đất của người Kurd.
Mặc dù với sự can thiệp của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tấn công để thực hiện các kế hoạch riêng, nhưng lời đe dọa mà Ankara gửi tới người Kurd đã khiến SDF chấp nhận chia sẻ quyền kiểm soát lãnh thổ với Damascus.
Có thể nói, dù không thể mở rộng thêm ảnh hưởng ở Syria nhưng có thể coi việc người Kurd trao quyền kiểm soát lãnh thổ cho Damascus là một thành công đối với Thổ Nhĩ Kỳ.