Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine đã trở nên gần gũi kể từ năm 2014 và càng trở nên sâu sắc hơn khi ông Volodymyr Zelensky trở thành tổng thống vào tháng 5 năm ngoái.
Gần đây, thành công của Azerbaijan trong cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút giới tinh hoa Ukraine. Chuyến thăm của ông Zelensky tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/10 được coi là một bước ngoặt trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm, một thỏa thuận khung về hợp tác quân sự đã được ký kết giữa hai nước. Điều này được coi là tín hiệu báo động đối với Nga.
Ông Zelensky rất ấn tượng trước lời khẳng định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi Ukraine là “chìa khóa để thiết lập ổn định, an ninh, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”...
Tổng thống Zelensky sau đó đã tuyên bố xây dựng hai căn cứ hải quân “để bảo vệ khu vực Biển Đen” và nhấn mạnh ý định phát triển một quân đội sẽ không để mất lãnh thổ quốc gia. Giờ đây, Nga lại thêm một mối lo mới ngay sát vách.
Đối tác chính
Ukraine đã nổi lên là đối tác chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cung cấp một số công nghệ quân sự quan trọng như động cơ phản lực cánh quạt, động cơ diesel, hệ thống điện tử hàng không, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và chống hạm, hệ thống radar và giám sát, công nghệ không gian và vệ tinh, hệ thống robot chủ động và thụ động. Đây là đối tác không thể tốt hơn cho Ankara vì Ukraine có một nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp quốc phòng từ thời Liên Xô.
Hai nước đang cùng nhau phát triển dự án máy bay không người lái, máy bay chiến đấu TFX của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sản xuất các vệ tinh quân sự. Nhìn chung, hai nước hiện đang thực hiện 50 dự án quốc phòng chung.
Đổi lại, các nhà phân tích suy đoán rằng Ukraine – với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ - có thể lặp lại kịch bản ở Karabakh để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất vào tay lực lượng ly khai vào năm 2014 ở Donbass và có thể sử dụng máy bay không người lái để giám sát Crimea và eo biển Kerch nối Biển Đen và Biển Azov.
Đối trọng mới
Không khó để nhận thấy, hợp tác công nghệ ngày càng sâu rộng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine có ý nghĩa sâu rộng đối với động lực quyền lực ở lưu vực Biển Đen, nơi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện đang thiết lập sự hiện diện để cạnh tranh với Nga. Vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu Ankara có đang xây dựng thế đối trọng với quyền lực tối cao của Nga ở Biển Đen hay không?
Một số nhà phân tích đánh giá đây là cách Ankara gây sức ép với Moscow ngay tại sân sau của mình như một đòn trả đũa đối với những nỗ lực của Nga gây áp lực với chương trình nghị sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và Syria.
Một số chuyên gia Nga cũng bày tỏ lo ngại các tướng lĩnh Ukraine có thể sao chép chiến thuật của người Azeri ở Karabakh để tiến hành một chiến dịch quân sự ở Donbass. Gần đây, ở mặt trận Donbas đã trở nên náo nhiệt hơn khi Ukraine triển khai xe tăng, xe bọc thép, hệ thống phòng không. Máy bay không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng tấn công các vị trí của phe ly khai tại đây.
Nhưng ông Erdogan là một người theo chủ nghĩa thực dụng mạnh tay, người biết rằng Moscow sẽ không chấp nhận một cuộc tấn công quân sự của Ukraine ở Donbass, và cả NATO, Mỹ và Liên minh châu Âu đều không muốn một cuộc chiến như vậy. Tổng thống Erdogan cũng không có lý do gì để đối đầu với Nga. Moscow đã đi xa hơn để đáp ứng các lợi ích của Ankara ở Syria và Nagorno-Karabakh.
Chắc chắn, Tổng thống Erdogan nhận thức được kế hoạch của phương Tây nhằm tạo ra rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Sự hợp tác với Nga tạo ra không gian để Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán tối ưu hơn với EU và Mỹ, trong khi Nga cũng có lợi trong việc tạo ra không gian như vậy cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức phản ứng với các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ bằng cách tái khẳng định sẽ không phá bỏ thỏa thuận S-400 với Nga. Ankara có nền tảng bền vững để làm như vậy, bởi các chính sách đối ngoại độc lập của ông Erdogan đã có Nga là bệ đỡ chắc chắn.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đồng tình với điều đó, bằng chứng là Moscow sẵn sàng có mối quan hệ bình đẳng với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, dù là ở Nagorno-Karabakh hay ở Syria.
Ngược lại, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ muốn đối chọi với Nga ở Biển Đen là không cao, bởi đang có những xung đột sâu sắc với đồng minh. Mối quan hệ căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với EU xuất phát từ những lợi ích cơ bản và đối lập nhau mà hầu như không thể sớm hòa giải vào bất cứ lúc nào. Tương tự, căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ còn phức tạp hơn chỉ là thương vụ S-400 đơn thuần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiểm soát căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông Erdogan đang lo ngại về một tình huống bất lợi hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một nhóm các quốc gia thù địch trong khu vực; EU và Mỹ đang ở trong chế độ đối nghịch; NATO thì không giúp ích gì. Có thể nói, nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo ra “chiều sâu chiến lược” ở Biển Đen phải nhìn vào thực tế không thuận lợi trước khi muốn triển khai thật sự.