Thời gian không ủng hộ người Nga

Thời gian không ủng hộ người Nga

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 18/05/2022 14:16

Xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn mới, Nga được cho là đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lâu dài, trong khi đàm phán hòa bình giữa 2 bên bị đình trệ.

Hơn 250 binh sĩ Ukraine tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã hạ vũ khí đầu hàng các lực lượng Nga sau nhiều tuần kháng cự tuyệt vọng, chấm dứt cuộc bao vây tàn khốc nhất trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Một đoàn xe buýt nối đuối nhau rời nhà máy thép vào cuối ngày 16/5 với sự hộ tống của các xe bọc thép Nga. Trong số này, 5 chiếc xe di chuyển đến thị trấn Novoazovsk do Nga kiểm soát, nơi Moscow cho biết các binh sĩ bị thương sẽ được điều trị.

Một nhân chứng của Reuters cho biết, 7 chiếc xe buýt chở các binh sĩ Ukraine từ Azovstal đã đến một nhà tù mới mở ở thị trấn Olenivka do Nga kiểm soát gần Donetsk.

Số phận của các binh sĩ này vẫn bất định. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã đích thân đảm bảo các tù nhân sẽ được đối xử theo các tiêu chuẩn quốc tế. Các quan chức Ukraine cho biết, Kiev có thể dùng những binh sĩ Nga bị bắt để đổi các binh sĩ Ukraine này về.

Bộ Quốc phòng Ukraine bày tỏ hy vọng về một "thủ tục trao đổi... để hồi hương các anh hùng Ukraine này càng nhanh càng tốt".

Hãng thông tấn TASS cho biết, Ủy ban Điều tra Nga đã lên kế hoạch thẩm vấn các binh sĩ Ukraine, nhiều người trong số họ là thành viên của Tiểu đoàn Azov. Động thái trên là một phần của cuộc điều tra về cái mà Moscow gọi là "tội ác của chế độ dân tộc chủ nghĩa Ukraine".

Thế giới - Thời gian không ủng hộ người Nga

Các binh sĩ Ukraine đầu hàng sau nhiều tuần ẩn náu tại nhà máy thép Azovstal, được nhìn thấy đang ở bên trong một chiếc xe buýt được quân đội thân Nga hộ tống, tại khu định cư Olenivka thuộc vùng Donetsk, Ukraine, ngày 17/5/2022. Ảnh: Al Jazeera

Theo DW, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin tuyên bố, Quốc hội Nga sẽ xem xét chặn việc trao đổi tù nhân đối với một số binh sĩ Ukraine bị bắt ở thành phố cảng Mariupol.

Ông Volodin cho rằng các thành viên thuộc Tiểu đoàn Azov theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Ukraine không nên được trao đổi mà phải bị xét xử như tội phạm chiến tranh.

Văn phòng Tổng công tố Nga đã yêu cầu Tòa án tối cao của nước này công nhận Trung đoàn Azov của Ukraine là "tổ chức khủng bố", hãng thông tấn Interfax đưa tin, trích dẫn trang web của Bộ Tư pháp Nga.

Tòa án Tối cao Nga dự kiến sẽ xét xử vụ việc vào ngày 26/5, Interfax đưa tin.

Việc giành được toàn quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược này là chiến thắng lớn nhất của Nga trong chiến dịch ở Ukraine, cho phép Moscow toàn quyền kiểm soát bờ biển Azov và một dải đất liền mạch ở Đông Nam Ukraine.

Thế giới - Thời gian không ủng hộ người Nga (Hình 2).

Thành phố cảng Mariupol ở Đông Nam Ukraine, bên bờ Biển Azov, là nơi cư trú của hơn 400.000 dân trước khi xung đột với Nga nổ ra. Ảnh: Al Jazeera

Xung đột Nga-Ukraine bước vào “giai đoạn kéo dài”

Trong một diễn biến khác, các lực lượng Ukraine đã tiến quân với tốc độ nhanh nhất trong hơn một tháng qua, đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi khu vực xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Reuters đưa tin.

Ukraine cho biết, các lực lượng của họ đã đến khu vực giáp biên giới với Nga, cách Kharkiv 40 km (25 dặm) về phía Bắc. Ukraine cũng tiến quân tới khu vực cách sông Siverskiy Donets ít nhất 40 km về phía Đông, nơi họ có thể đe dọa các đường tiếp tế chính của Nga ở Donbass.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc các lực lượng Nga đã nã pháo vào các khu vực ở miền Bắc và miền Tây đất nước hôm 17/5 để bù đắp cho những gì ông gọi là “thất bại của Nga ở miền Đông và miền Nam”.

“Các lực lượng tổng hợp của họ không thể tạo ra bất kỳ thành công nào ở những khu vực mà họ đang cố gắng tiến lên”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 17/5. “Những cuộc tấn công này, giống như nhiều cuộc tấn công xảy ra trước đó, sẽ không mang lại gì cho họ (Nga)”.

Các nhà phân tích dự đoán, Tổng thống Vladimir Putin có thể phải quyết định liệu có nên gửi thêm binh lính và khí tài để bổ sung cho các lực lượng của Moscow đang tham gia chiến dịch ở Ukraine trong bối cảnh một dòng vũ khí hiện đại của phương Tây đang chảy vào Ukraine, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của Kiev.

“Thời gian chắc chắn đang chống lại người Nga. Họ sắp hết trang bị. Họ sắp hết những quả tên lửa đặc biệt tiên tiến. Và tất nhiên, người Ukraine đang trở nên mạnh hơn gần như mỗi ngày”, ông Neil Melvin, một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London (Anh), nhận định.

Thế giới - Thời gian không ủng hộ người Nga (Hình 3).

Quang cảnh đổ nát ở Barabashovo, nơi trước đây là một trong những chợ quần áo lớn nhất châu Âu, ở Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 16/5/2022. Ảnh: France24

Trái với nhận định của chuyên gia, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho rằng cuộc xung đột với Nga đang bước vào “giai đoạn kéo dài”, vì quân đội của Moscow hiện đang cố gắng giành toàn quyền kiểm soát miền Đông và miền Nam Ukraine.

“Nga đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lâu dài”, ông Reznikov nhận định tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ) hôm 17/5 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

“Cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn kéo dài”, ông nói thêm trong bài phát biểu, nội dung được đăng trên trang Facebook cá nhân của ông.

Theo ông Reznikov, Quân đội Nga hiện đang xây dựng các công sự ở khu vực Zaporizhzhia và Kherson để “chuyển sang phòng thủ nếu cần thiết”.

Đàm phán Nga-Ukraine đình trệ

Các quan chức của cả Nga và Ukraine hôm 17/5 xác nhận rằng các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh đã bị đình trệ.

Phái đoàn đàm phám của 2 bên gặp nhau trực tiếp lần cuối vào cuối tháng 3 và 2 bên rất ít liên hệ với nhau trong những tuần gần đây.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói Ukraine "thực tế đã rút khỏi tiến trình đàm phán". Thành viên phái đoàn đàm phán Nga Leonid Slutsky cho biết, các cuộc đàm phán không được tiến hành dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong khi đó, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, người đồng thời là trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine, nói các cuộc đàm phán đang "tạm dừng" vì Nga không sẵn sàng chấp nhận rằng họ sẽ không đạt được mục tiêu của mình.

“Mục tiêu chiến lược của người Nga là: được ăn cả, ngã về không”, ông Podolyak nói thêm, cáo buộc Moscow không hiểu rằng cuộc chiến “không còn diễn ra theo các quy tắc, thời gian biểu hoặc kế hoạch của họ”.

Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nộp đơn vào NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ gặp đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển trong ngày 18/5, theo một tuyên bố từ liên minh quân sự.

Hai quốc gia Bắc Âu cho biết, họ sẽ đệ trình đơn xin gia nhập NATO cùng nhau vào ngày 18/5.

"Tôi rất vui vì chúng ta đã đi chung một con đường và chúng ta có thể cùng nhau làm mọi thứ", Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết hôm 17/5 trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö.

Người đứng đầu NATO đã nhiều lần nói rằng 2 quốc gia Bắc Âu sẽ được chào đón "với vòng tay rộng mở", nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối.

Bất kỳ đơn xin gia nhập nào cũng phải được 30 thành viên NATO, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nhất trí thông qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) vốn bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế giới - Thời gian không ủng hộ người Nga (Hình 4).

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Hai quốc gia Bắc Âu cùng nhau nộp đơn xin vào NATO vào ngày 18/5/2022. Ảnh: Deccan Herald

Về vấn đề này, ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, cho rằng NATO sẽ dập tắt những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan.

Phát biểu tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels (Bỉ) hôm 17/5, ông Borrell tuyên bố EU sẽ ủng hộ Helsinki và Stockholm trở thành thành viên NATO.

"Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ củng cố các liên minh quân sự của phương Tây và cho phép tăng cường các lựa chọn ứng phó khi biên giới bị đe dọa".

Với việc 2 quốc gia trung lập này gia nhập NATO, điều Tổng thống Nga Vladimir Putin không mong muốn nhất đã xảy ra, ông Borrell nhận xét.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lambrecht cho rằng Thụy Điển và Phần Lan trở thành một phần của NATO sẽ là 2 đối tác mạnh “làm giàu” thêm cho liên minh này.

Trước đó, trên đường tới cuộc họp, ông Borrell nói với các phóng viên rằng EU sẽ phê duyệt một khoản viện trợ quân sự trị giá 500 triệu Euro (527 triệu USD) nữa cho Ukraine.

Thêm nhiều vũ khí nữa đang trên đường tới Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trong những ngày tới.

“Tổng thống Macron khẳng định rằng Pháp sẽ tiếp tục bàn giao vũ khí với cường độ gia tăng trong những ngày và tuần tới, giống như việc cung cấp viện trợ nhân đạo”, Điện Élysée cho biết.

Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky hôm 17/5, ông Macron cho biết Pháp sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu trợ giúp bổ sung.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết, các thành viên EU sẽ xem xét đơn xin gia nhập EU của Ukraine tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông Zelensky mô tả các điện đàm là "dài và có ý nghĩa", đồng thời ông còn nêu vấn đề cung cấp nhiên liệu cho Ukraine.

Thế giới - Thời gian không ủng hộ người Nga (Hình 5).

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp. Ảnh: Eurasia Review

Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.