Nếu trước đây chứng minh nhân dân có thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp, cấp đổi, cấp lại thì căn cước công dân có thời hạn sử dụng theo độ tuổi.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 21 luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Đối chiếu với khoản 1 Điều 19 luật Căn cước công dân năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân, sau đó sẽ phải làm thủ tục cấp đổi thẻ khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi.
Như vậy, có 3 mốc tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân là đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Đối với trường hợp đổi thẻ khi đủ 60 tuổi sẽ được sử dụng thẻ căn cước công dân đến khi chết và không phải cấp đổi thêm lần nào nữa, trừ trường hợp bị mất, bị hỏng.
Đồng thời, mặt trước của thẻ căn cước công dân có ghi thời hạn sử dụng của căn cước công dân, mọi người cần lưu ý thông tin này trên thẻ để tránh trường hợp căn cước công dân hết hạn mà không biết.
Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo .
Theo đó, nếu căn cước công dân đã được cấp/đổi/cấp lại trong 2 năm trước khi người này đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi tức là trong vòng 2 năm từ khi đủ 23 tuổi, đủ 38 tuổi, đủ 58 tuổi thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Lưu ý, chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 1/1/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn (15 năm kể từ ngày cấp/đổi/cấp lại). Không bắt buộc đổi chứng minh nhân dân còn thời hạn sang thẻ căn cước công dân nếu không có nhu cầu.
Hoàng Mai