Nord Stream 2 AG – công ty của Gazprom có trụ sở tại Thụy Sĩ đứng sau dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ được thiết kế để vận chuyển khí đốt Nga – đã đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ của mình, Reuters dẫn thông báo từ một tòa án tại Zug (Thụy Sĩ) cho biết hôm 9/5.
Tòa án đã đặt thời hạn là ngày 9/5 để Nord Stream 2 AG tái cấu trúc các khoản nợ và trả nợ cho các chủ nợ nhỏ. Nếu điều kiện này không được đáp ứng, Nord Stream 2 sẽ bị tuyên bố phá sản.
Đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD được xây dựng để vận chuyển khí đốt Nga qua Biển Baltic đến châu Âu, chạy song song với đường ống Nord Stream được xây dựng từ trước.
Việc xây dựng đã hoàn thành vào năm 2021, nhưng đường ống Nord Stream 2 chưa bao giờ được đưa vào vận hành sau khi Đức hủy bỏ quá trình cấp chứng nhận chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Châu Âu đã cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga kể từ đó, và gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đã lỗ 7 tỷ USD vào năm sau.
Tòa án tại Zug cho biết phán quyết này vẫn có thể được kháng cáo. Tòa án từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về khoản nợ hoặc các chủ nợ. Gazprom đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD được xây dựng để vận chuyển khí đốt Nga qua Biển Baltic đến châu Âu. Ảnh: CEEnergyNews
Hệ thống đường ống Nord Stream bao gồm 2 đường ống đôi – Nord Stream và Nord Stream 2 chạy qua Biển Baltic đến Đức – là tuyến đường lớn nhất để khí đốt Nga chảy vào châu Âu. Hệ thống này có khả năng vận chuyển 110 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Nhưng vào tháng 9/2022, một trong hai tuyến của Nord Stream 2 đã bị hư hại do các vụ nổ bí ẩn, cùng với cả hai tuyến của Nord Stream 1.
Không lâu trước khi bị phá hoại, Nord Stream 1 đã bị Nga đóng cửa vô thời hạn với lý do không thể sửa chữa turbine khí do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các cuộc tranh luận về hệ thống đường ống Nord Stream vẫn tiếp tục mặc dù thực tế là chúng đã không vận chuyển bất kỳ m3 khí đốt nào đến Đức trong hơn 30 tháng qua.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy hòa bình ở Ukraine đã làm dấy lên triển vọng tan băng trong quan hệ khí đốt.
Các quan chức từ Washington và Moscow đã thảo luận về việc Mỹ giúp khôi phục hoạt động bán khí đốt của Nga cho lục địa này, Reuters đưa tin, trích dẫn 8 nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, EU đang tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng của Nga và đã công bố lộ trình để loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng hạt nhân của Nga vào năm 2027.
Kế hoạch này sẽ được tranh luận vào tháng tới, và sẽ cần sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu (EP) và đa số các quốc gia thành viên để được thông qua.
Slovakia và Hungary đã chỉ trích kế hoạch của EU, tuyên bố rằng đó là "tự sát về kinh tế" vì nó sẽ gây tổn hại cho EU nhiều hơn là Nga.
Minh Đức (Theo Reuters, Oil Price)