Khí đốt rò rỉ tạo ra hiện tượng sủi bọt trên mặt biển.
"Hai trong số 4 vết rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển", phát ngôn viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Thụy Điển cuối ngày 28/9 cho biết, theo Reuters. Hai vết rò rỉ còn lại nằm ở vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
Vết rò rỉ thứ 4 được phát hiện ở đoạn đường ống Nord Stream 2, gần một vết rò rỉ lớn hơn được phát hiện trước đó ở đoạn đường ống Nord Stream 1.
Sự cố xảy ra với hai đường ống Nord Stream 1 và 2 được ghi nhận vào đầu tuần này. Mặc dù hai đường ống hiện không được sử dụng nhưng bên trong vẫn có khí đốt, dẫn đến việc rò rỉ ra môi trường tự nhiên.
Đan Mạch ước tính khí đốt trong đoạn đường ống sẽ thoát hết ra ngoài vào ngày 2/10. Nhiều quốc gia trong khu vực nêu khả năng đây là một vụ "tấn công phá hoại". Hôm 28/9, Phần Lan cho rằng chỉ có một quốc gia mới có thể gây ra vụ tấn công với quy mô như vậy.
Sự cố đã khiến nhiều quốc gia châu Âu gấp rút nâng cao mức độ bảo vệ an ninh đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. Hôm 28/9, Na Uy thông báo đang tăng cường thêm an ninh tại các cơ sở khai thác khí đốt ở ngoài khơi.
Hai đường ống Nord Stream có điểm đầu ở Nga và điểm cuối kết thúc ở Đức. Đoạn đường ống đi qua biển Baltic nằm ở vùng biển quốc tế.
Hiện chưa xác định rõ các vết rò rỉ lớn đến mức nào. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Thụy Điển ghi nhận tình trạng sủi bọt do khí đốt thoát ra ở phía trên các vết rò rỉ với đường kính ở khu vực sủi bọt lần lượt là 900 mét và 180 mét.
Hôm 28/9, Văn phòng Công tố Liên bang Nga thông báo cơ quan an ninh nước này đã mở cuộc điều tra “khủng bố quốc tế” đối với sự cố rò rỉ trên các tuyến đường ống Nord Stream.
Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) mở cuộc điều tra sau khi phát hiện "các hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm của Đan Mạch trên biển Baltic, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Nga".
Sự cố đã chấm dứt hy vọng ở châu Âu về việc Nga có thể sớm nối lại nguồn cung khí đốt cho châu lục thông qua đường ống Nord Stream. Cảnh sát Đan Mạch và Thụy Điển hiện đang điều tra nguyên nhân sự cố.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của toàn châu Âu. Hiện tại, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 9%, theo Bloomberg.
Đăng Nguyễn - Bloomberg