Đồng ý rằng các trường tư, trường dân lập sẽ gặp khó khăn trong vấn đề chi trả lương cho giáo viên mùa dịch bệnh Covid-19 do chủng mới virus SARS-CoV-2. Thế nhưng, dịch bệnh kéo đến là điều nằm ngoài mọi sự tính toán, không ai mong muốn xảy ra.
Vậy sự đồng lòng, chia sẻ khó khăn với người dân trong dịch bệnh nguy hiểm này, các trường tư có không mà tính đến chuyện thu phí học online?
Nhà trường có nhìn thấy gì không? Hàng nghìn người lao động đang mất việc làm vì công ty, nhà hàng đóng cửa ngừng kinh doanh để phòng, tránh dịch bệnh. Hàng triệu học sinh vẫn phải nghỉ học "vô thời hạn" trước diễn biến hết sức khó lường của virus SARS-CoV-2. Cha mẹ các em mất việc hay không mất việc thì vấn đề thu xếp thời gian, bố trí người trông coi các con mình suốt gần 2 tháng qua cũng đã là vô cùng khó khăn. Chi phí bỏ ra không hề nhỏ.
Chính những người trong môi trường giáo dục lúc này càng cần thể hiện cốt cách, đạo đức của mình: Những kỹ sư tâm hồn ươm mầm tương lai đất nước.
Tại sao đã có việc chữa bệnh miễn phí, phát khẩu trang miễn phí, lại không thể dạy học online miễn phí?
Chúng ta chữa bệnh miễn phí không phải vì đất nước quá giàu mà là vì nghĩa tình đồng bào trong bọc trứng.
Nhiều người, nhiều cơ quan đoàn thể phát khẩu trang miễn phí không phải vì của cải dư thừa mà vì tấm lòng lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Tất nhiên, nếu cứ ỉ lại vào cơ chế bao cấp, xin là cho, khó là trợ cấp mãi thì sẽ không thể nói câu chuyện phát triển. Nhưng trong vấn đề đại cục với dịch bệnh nguy cấp như hiện tại, phải xác định rõ đâu là thời điểm cần sự sẻ chia, đâu là lúc ta nên rạch ròi tính toán vấn đề thu hay không thu.
Nhớ thời đất nước mới độc lập, chống giặc đói, người Việt Nam chia nhau từng củ sắn, củ khoai, từng cọng rau, nắm gạo.
Bây giờ, chúng ta chống "giặc" Covid-19 trong cơm no, áo ấm, sá chi chuyện lương dạy học online mà phải chi li, thu phí?
Thiết nghĩ, bản thân mức học phí tại các trường tư, trường dân lập bình thường đã cao hơn rất nhiều so với mức học phí của trường công được ngân sách Nhà nước điều tiết. Vậy thì, mức học phí cao chót vót ấy, các trường nên tính toán thu chi cả năm cho hợp lý để gánh đỡ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh này.
Bởi nếu dịch bệnh không được đẩy lùi, thời gian nghỉ càng kéo dài thì nguy cơ sụt giảm nguồn thu và phá sản với các trường tư là hiện hữu. Vậy hãy khoan bàn chuyện thu phí, hãy chung tay đẩy lùi dịch bệnh trước đã. Dập dịch để cứu chính mình.
Thêm nữa, việc dạy và học online diễn ra trong một vài tháng phòng, tránh dịch bệnh. Chương trình dạy online của các trường có đảm bảo để học sinh tiếp thu tốt, hiểu bài, xứng đáng để thu phí dạy học không hay là chỉ hướng dẫn một cách đơn giản kiểu "vẽ giấy thu tiền", chưa cơ quan nào đứng ra đảm bảo việc đó.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong lúc diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hãy biến những khó khăn thành cơ hội thể hiện bản lĩnh và trình độ của mình. Thay vì kêu khó, các cơ sở tư thục cùng với các sở giáo dục trong cả nước có thể rèn luyện cho chính giáo viên và học sinh của mình một phương pháp dạy và học mà tin rằng rồi đây trong cuộc cách mạng 4.0, nó sẽ là phổ biến và ưu tiên hàng đầu, đó là dạy và học online.
Khi giáo viên đã thuần thục, học sinh đã thành thạo và trả bài tốt qua phương pháp dạy và học online rồi thì lúc đó, không cần kêu khó hay huy động, phụ huynh sẽ tình nguyện nộp mức học phí xứng đáng để đáp đền công sức của thầy cô.
Còn bây giờ, khi kết quả dạy và học online còn rất đỗi mơ hồ, lại trăm công nghìn việc chống dịch như chống giặc thế này, bàn câu chuyện thu phí thế nào thì quả là rất lạc nhịp.
Vậy thì, xin đừng vội đẩy cái khó cho phụ huynh, cũng đừng bắt giáo viên phải tự xoay xở. Nếu khoản học phí ở trường tư là một sự thỏa thuận ngầm giữa nhà trường với phụ huynh theo kiểu chấp nhận thì giữa đại dịch mà cả thế giới đang ngày ngày phải đối mặt với những mối nguy hại lớn lao, phụ huynh không cần thỏa hiệp vấn đề thu phí học online cho học sinh nữa.
Sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói chung, các thầy cô gắn bó với trường tư nói riêng, chưa bao giờ cần kíp hơn lúc này.
Minh Vân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!