Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, một trong các giải pháp là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng…
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) để ghi nhận ý kiến xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa PGS, bà nhìn nhận như thế nào về việc thu hồi tài sản ở các vụ án tham nhũng – kinh tế trong thời gian vừa qua?
PGS.TS Bùi Thị An: Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có chuyển biến, tỉ lệ thu hồi tăng lên một mức. Chính điều này nâng lên lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, mặc dù tăng nhưng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít so với số tài sản mà các đối tượng đã tham nhũng. Trong nhiều vụ án về tham nhũng - kinh tế, các cá nhân phạm tội thì bị đưa ra truy tố, xét xử nhưng tài sản lại “biến mất”… Đó là tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Trong khi điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, mà số tài sản tham nhũng, thất thoát trong một số vụ án lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì phải nói rằng đó là số tài sản rất lớn. Nếu như thu hồi được khối tài sản đó sẽ có ý nghĩa rất lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Bà nghĩ sao về việc Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế?
PGS.TS Bùi Thị An: Xuất phát từ thực tế, thời gian vừa qua, cử tri, nhân dân cả nước mong chờ rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đẩy cao công tác phòng, chống tham nhũng lên một mức nữa. Vừa xử lý được các đối tượng tham nhũng nhưng đồng thời cũng phải thu hồi được tài sản cho Nhà nước, cho nhân dân.
Bởi vậy, việc Ban Bí thư vừa ban hành “Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” là cực kỳ có ý nghĩa vào lúc này. Nó rất cần thiết và đúng thời điểm. Nhất là hiện nay chúng ta đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 - vừa phát triển kinh tế, đây là thời điểm chúng ta đang phải vượt qua nhiều thử thách, khó khăn. Cho nên, chuyện thu hồi tài sản tham nhũng để bổ sung cho ngân sách, giải quyết những vấn đề an sinh, xã hội, giả sử như mua vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm chủng cho người dân thì vô cùng ý nghĩa.
PV: Chỉ thị nêu rõ là quy trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. Vậy, bà có quan điểm như thế nào xung quanh vấn đề này?
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi cho rằng, vấn đề này nâng tính khả thi rất cao trong việc ban hành văn bản. Trước đây, đã có quy định, về chủ trương thì đúng nhưng thực hiện ở một số nơi còn yếu kém và không quy trách nhiệm cho ai, vì thế tính khả thi trong thực tiễn chưa cao. Cho nên Chỉ thị lần này của Ban Bí thư có nêu rõ là quy trách nhiệm người đứng đầu, nếu anh không thu hồi tài sản thì anh cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy là rất hợp lý.
Ngoài ra, tôi cho rằng, cần thêm một ý nữa là: các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trước khi nhậm chức, hứa được với Trung ương, hứa được với dân rằng “nếu như để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý và tôi không thu hồi được tài sản cho Nhà nước thì tôi xin từ chức”. Nếu làm được như vậy thì rất chặt chẽ.
Tôi nghĩ, đã ban hành ra quy định gì thì phải giám sát thường xuyên, yêu cầu cấp dưới thực hiện nghiêm túc, khi đó hiệu lực của văn bản mới có giá trị thực tế”.
PV: Xin cảm ơn PGS!