Sáng 3/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” nhằm phân tích, đánh giá vai trò của đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030.
Thu hút nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh chưa đạt kỳ vọng
Phát biểu tại Hội thảo, TS Hồ Công Hòa, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quá trình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh phải đang rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư tư nhân.
“Doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Do đó trong việc xây dựng chính sách chúng ta phải hài hòa được giữa đối tượng và đối tác để thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong việc thực hiện hai nhiệm vụ vừa thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế vừa thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, cam kết phát thải khí nhà kính của Việt Nam”, ông Hòa khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Michael Krakowski, Cố vấn trưởng - Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh nhấn mạnh: "Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng chịu tác động tiêu cực từ việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, môi trường.
Đó là thách thức rất lớn cần có sự vào cuộc, tìm biện pháp ứng phó kịp thời và có hiệu quả để bảo đảm phát triển bền vững. Nên Việt Nam cần kiên trì tuyên truyền và hỗ trợ cho sản xuất sạch trên diện rộng, đầu tư cho năng lượng sạch và tái tạo...".
Cho rằng vai trò của doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh ngày càng quan trọng, lớn về số lượng, nhưng quy mô còn rất khiêm tốn, TS. Hồ Công Hòa chỉ ra một số những khó khăn khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận với tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh như tỉ trọng nhà máy điện sử dụng than còn lớn, dễ gây ô nhiễm môi trường; tình trạng chậm, khó khăn trong giải phóng mặt bằng xây dựng dự án; thiếu vốn “mồi”, hỗ trợ từ Nhà nước; thiếu hướng dẫn cụ thể trong đàm phán đối với dự án PPP; thiếu sự chuẩn bị và sẵn sàng của cơ quan chức năng trong việc thực hiện tăng trưởng xanh...
“Giai đoạn 2010-2019 số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.
Tuy nhiên, doanh thu của doanh nghiệp ngoài Nhà nước không tương xứng với số lượng doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng rất cần việc định nghĩa một cách cụ thể vai trò của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng xanh cụ thể thể hiện trong các yếu tố như tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học công nghệ, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo tính bao trùm bình đẳng về mặt xã hội.
Chỉ ra những nhân tố tác động, ông Lê Xuân Bá cho rằng có hai nhóm chủ yếu: “Một là nhóm nhân tố bên ngoài: đầu tư tư nhân quan trọng nhất là luật pháp, chính sách của Nhà nước; sức ép của hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học công nghệ. Thứ hai là bản thân các doanh nghiệp: quy mô của doanh nghiệp, nhận thức của người lãnh đạo doanh nghiệp”.
8 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, theo TS. Hồ Công Hòa, cần tiếp tục quán triệt quan điểm: “Nhà nước không làm gì mà tư nhân làm được và làm tốt hơn, Nhà nước chỉ dành nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm được và tư nhân không làm”.
“Ưu đãi đầu tư là quan trọng nhưng quan trọng nhất là tạo được thị trường và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và công bằng giữa các thành phần kinh tế”, ông Hòa nhấn mạnh.
Theo đó, TS. Hồ Công Hòa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách. Cụ thể, ông Hòa chỉ ra 8 giải pháp cần được ưu tiên trong thời gian tới.
Một là, đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm của Đảng về các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tư nhân.
Hai là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế.
Áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế carbon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai.
Ba là, thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Bốn là, nghiên cứu ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án PPP (như thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch,…) có quy mô nhỏ hơn 200 tỷ đồng ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Luật PPP.
Năm là, nâng cao trách nhiệm người gây ô nhiễm phải trả tiền, ví dụ nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải hiện nay (10% giá nước sạch), đẩy nhanh thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng tạo sự công bằng theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường.
Sáu là, đẩy nhanh chương trình cải cách hành chính, đổi mới hình thức lập kế hoạch theo kế hoạch trung và dài hạn, đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sớm ban hành các hướng dẫn về cơ chế mua bán nợ, đặc biệt là hướng đẫn cụ thể về định giá, đấu thầu, đấu giá các khoản nợ để bán, và mở rộng thị trường mua bán nợ cho các công ty ngoài Nhà nước.
Bảy là, đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ ngành và địa phương. Xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về PPP cho toàn xã hội về vai trò của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính cho dịch vụ chất thải với Nhà nước.
Tám là, công khai các quy hoạch năng lượng, ngành nước thải và chất thải rắn, bao gồm các dự báo lượng thải, hệ thống đấu nối và các vấn đề liên quan khác.
Theo TS. Đinh Văn Nguyên, chuyên gia Đánh giá, Phân vùng Điện gió (VIET – Đại học Tổng hợp Cork, Ireland) cần xác định tầm nhìn rõ ràng đối với vấn đề tăng trưởng xanh trong đó tầm nhìn phải là sự cộng hưởng giữa chính sách của Nhà nước và năng lực của doanh nghiệp.
"Đối với Nhà nước, việc xây dựng tầm nhìn không chỉ đơn thuần là tầm nhìn đặt ra cho một chiến lược mà còn được thể hiện bằng các chương trình, dự án, các hoạt động cụ thể để các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nhìn thấy tầm nhìn thực tế để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào tăng trưởng xanh", ông Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà cần chú trọng đến chiến lược kinh doanh.
Ở câu chuyện vĩ mô, TS. Đinh Xuân Nguyên cũng cho rằng cần định nghĩa cụ thể về tăng trưởng xanh và đây là cơ sở để xác định việc doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp một cách hiệu quả hay không.