Chuyện tiết kiệm không phải nói được là làm được
Linh Chi (25 tuổi) đã có 3 năm đi làm chính thức kể từ khi tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng giỏi ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học có tiếng, cô bạn dễ dàng xin được vào một trung tâm tiếng Anh.
“Lúc mới đầu mình chỉ được làm vị trí trợ giảng, tuy nhiên sau một thời gian thì đã lên được vị trí giảng viên chính”, với mức lương của giảng viên chính hiện tại, mỗi tháng Chi thu nhập khoảng 12 triệu đồng.
Ngay từ khi bắt đầu đi làm, Linh Chi đã xác định ngay cho mình phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý để dành ra một khoản tiết kiệm cho những lúc khó khăn. Thế nhưng, việc nói và việc làm cách xa nhau “ngàn dặm” khiến cô nàng không thể nào thực hiện trọn vẹn được kế hoạch của mình.
Trung bình mỗi tháng cô bạn chi 2,5 triệu đồng cho tiền nhà, tiền ăn hết 4 triệu, tiền mua sắm, đi chơi cá nhân khoảng 2 triệu, ngoài ra thêm khoảng 1 triệu đồng cho chi phí đi lại. Trong những tháng cao điểm được mời đi đám cưới nhiều, số tiền lương hàng tháng thậm chí không thể đủ cho nhu cầu sinh hoạt còn lại.
Trong suốt 3 năm vừa qua, số tiền tiết kiệm của cô bạn 25 tuổi chưa đầy 10 triệu đồng. “Bù trừ những tháng phải chi tiêu nhiều thì mình cũng không để được ra bao nhiêu. Chưa kể những lúc ốm đau thì lại còn phải chi tiêu nhiều hơn”, cô bạn chia sẻ.
Với một sinh viên vừa mới ra trường và đi làm như Linh Chi, khoản thu nhập hơn 10 triệu/ tháng là một con số được nhiều người ao ước. Tuy nhiên theo cô bạn chia sẻ, dù có mức lương ổn nhưng với mức chi phí sống đắt đỏ ở Hà Nội thì con số lương phải gấp 2, gấp 3 lần thì mới có thể dành ra được một khoản tiết kiệm kha khá.
“Mình không phải là người tiêu xài quá hoang phí nhưng tích cóp mấy năm trời chưa được 10 triệu thì quả thật cũng hơi ái ngại. Không biết đến bao giờ mình mới có thể mua nhà, mua xe được đây”, Linh Chi lo lắng.
Khi nhìn sang những người bạn đã thành công với mức sống cao, thường xuyên “check in” sang chảnh khiến cô bạn không khỏi chạnh lòng, “Không biết trách ai được nữa, mình cũng đã cố gắng hết sức rồi”.
Ảnh minh họa
Mức sống đắt đỏ khiến nhiều bạn trẻ phải “quay xe”
Cũng như Linh Chi, cậu bạn Minh Khôi (sinh năm 1996) cũng vừa bắt đầu đi làm được 3 năm. Tuy nhiên, tình trạng tiết kiệm được của Khôi thậm chí còn tồi tệ hơn cô bạn kia rất nhiều.
“Thú thật mình chả có khoản tiết kiệm nào, tháng nào ăn hết tháng đó, thậm chí có những tháng phải đi vay bạn. Tương lai phía trước của mình mông lung quá, không biết bao giờ mới khá lên được”, cậu bạn chia sẻ.
Trước thực tế “phũ phàng” này, Khôi đã tính đến phương án về quê để kiếm việc làm. Mức lương ở Hải Phòng, quê Minh Khôi dù không cao như ở trên Hà Nội nhưng không phải mất thêm tiền thuê nhà và ăn uống nên cũng xem là ngang khi ở tại thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội đang là địa phương có mức sống cao bậc nhất Việt Nam. Vậy nên để có thể “bám trụ” và phát triển được đòi hỏi các bạn trẻ cần phải cố gắng và nỗ lực rất lớn. Trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp sinh viên sau khi ra trường và đi làm vài ba năm đã quyết định “dứt áo ra đi” để về quê tìm việc mới.
Những áp lực về chi phí sinh hoạt là nguyên do chính khiến các bạn trẻ buộc phải về quê với gia đình sau nhiều năm “vật lộn” tại những khu nhà trọ chật chội với điều kiện sống không thoải mái. Mức lương cơ bản mà các bạn trẻ nhận được mặc dù có thể đủ để chi tiêu nhưng nếu cuộc sống 3 năm, 5 năm hay thậm chí 10 năm sau vẫn vậy thì chắc chắn đây là điều cần phải suy tính lại.
Theo chia sẻ từ phía các chuyên gia tài chính, cơ hội việc làm và cơ hội thăng tiến ở các thành phố là hoàn toàn rất lớn và khả thi. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống phát triển và ổn định thì các bạn cần phải đưa ra những kế hoạch dài hạn để ổn định tài chính, tiến tới lập gia đình và đảm bảo đầy đủ mọi điều kiện tốt nhất để chăm lo cho những người thân yêu.
Thanh Phương