Đó là chia sẻ của chị Đoàn Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1992, quê ở Quảng Nam về hành trình mua đất, làm nhà với mức lương ít ỏi, chỉ 4,5 triệu đồng/tháng.
Chị Tuyết học chuyên ngành Cử nhân Sinh môi trường và làm khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Sinh học. Ra trường, chị làm công việc nuôi cấy mô tế bào thực vật với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Chị Tuyết quyết định bỏ phố lên rừng lập nghiệp với mức lương chỉ 4,5 triệu đồng/tháng.
Làm trong phòng thí nghiệm của trường được khoảng 10 tháng, một người thầy dạy Cao học trong khoa của chị có mở trung tâm nuôi cấy mô ở thị trấn Măng Đen, thuộc huyện Kon Plong (Kon Tum), cần tuyển kỹ sư đúng chuyên ngành chị học nên chị quyết định ứng tuyển và đi làm.
“Tôi rất thích ngành mình học nhưng để xin việc ở các thành phố lớn thì sợ không xin được việc đúng chuyên ngành, phải đi làm công nhân. Trong khi đó, mình là người làm công tác nghiên cứu thì sự đổi mới, phát triển của các loại cây mình nghiên cứu sẽ phù hợp hơn”, chị Tuyết cho hay.
Măng Đen cho chị Tuyết cảm giác yên bình và an toàn, không khí trong lành như Đà Lạt thu nhỏ.
Năm 2015 chị Tuyết tới Măng Đen, nơi đây có khí hậu mát lành và không gian yên bình nhưng chưa phát triển, rất sơ khai. Nhận số tiền lương 4,5 triệu đồng/tháng bao ăn ở, chị Tuyết không biết tiêu gì vì không có gì để tiêu, nhận lương bao nhiêu chị tiết kiệm được bấy nhiêu.
Ở đây vài tháng, chị thấy thích Măng Đen và quyết định sẽ ở luôn nơi này để lập nghiệp. “Măng Đen tựa như Đà Lạt thu nhỏ, sống ở đây cho tôi cảm giác rất yên bình và an toàn. Ngoài ra, tôi thấy được tiềm năng phát triển của nơi này là rất lớn và phù hợp với những người chưa có vốn nhiều như tôi”, chị Tuyết nói.
Ngoài tiết kiệm tiền lương để mua đất trồng dược liệu, làm nhà trả góp, chị Tuyết còn tự tay làm nhiều hạng mục khác trong vườn nhà để tiết kiệm chi phí.
Tích cóp toàn bộ tiền lương từ năm 2015 đến năm 2016, chị Tuyết quyết định sẽ góp tiền mua đất khi được người quen để lại cho một mảnh đất rộng 2ha với giá chỉ 120 triệu đồng và cho trả góp. Đến năm 2019, ngoài tiết kiệm tiền lương của công việc chính, chị còn làm thêm vào ngày lễ, Tết, chị Tuyết đã trả góp xong mảnh đất đó. Còn dư một chút tiền, chị quyết định làm nhà.
Cùng với năm tháng, mức lương của chị Tuyết được nâng lên 6,5 triệu đồng/tháng. Trên mảnh đất đồi hoang, toàn cỏ bụi dưới tán thông xanh, chị Tuyết quyết định làm ngôi nhà năm gian cũng bằng tiền trả góp dần.
Ngôi nhà năm gian bằng gỗ được chị Tuyết làm dần trong khoảng gần một năm mới xong.
“Tôi mua gỗ, dựng khung rồi một thời gian sau thì làm nhà trả góp. Dồn được bao nhiêu tiền lại trả nợ bấy nhiêu cho đến hết năm. Đi làm về lại bắt tay vào khoan tường, đóng hàng rào, may rèm trang trí, san đường, làm những con đường nhỏ ra khu vườn dược liệu”, chị Tuyết kể.
Sau bao ngày tháng, ngôi nhà năm gian rộng khoảng 90m2 của chị Tuyết hoàn thành với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Có nhà, chị Tuyết bắt tay vào việc cải tạo đất để trồng các loại cây dược liệu trong vườn nhà như hương thảo, mã tiên thảo, bạc hà, cỏ ngọt, cúc chi rủ vàng và một số loại hoa hồng để làm trà
Xung quanh ngôi nhà nhỏ, chị Tuyết trồng rất nhiều các cây dược liệu.
Là kỹ sư nông nghiệp nhưng chị làm việc chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Môi trường trong phòng thí nghiệm có sẵn, chỉ cần thay đổi tỉ lệ cho phù hợp nhưng khi bắt tay làm thực tế ở môi trường tự nhiên, cây trồng phụ thuộc vào thời tiết, đất đai nên cây chết hàng loạt.
“Đất Măng Đen là đất mới, trồng nhiều thông nên có tính axit nhiều. Ngày đầu chưa có kinh nghiệm nên trồng cây bị sâu, dịch bệnh, cây chết hàng loạt. Tôi phải bắt tay vào cải tạo đất, lên luống, trồng xen canh, dẫn nước về vừa để tưới tiêu lẫn sinh hoạt. Làm được bao nhiêu tiền lại đổ vào vườn cây hết”, chị Tuyết chia sẻ.
Một mình khởi nghiệp ở một nơi không người thân, không bạn bè với số tiền ít ỏi, chị Tuyết phải tự tay làm từ những việc nhỏ nhất.
Để tập trung vào trồng và phát triển cây dược liệu, năm 2021 chị Tuyết nghỉ việc tại phòng nghiên cứu. Số dược liệu thu hoạch tại vườn nhà, chị tiến hành tự chưng cất tinh dầu và bán.
Tinh dầu sả chanh chị bán 120 nghìn đồng/lọ 10ml, tinh dầu hương thảo được chị bán với giá 350 nghìn đồng/lọ 10ml. Ngoài ra, chị còn thu mua tiêu rừng của người dân bản địa rồi chiết tinh dầu để bán với giá 100 nghìn đồng/lọ 10ml. Đồng thời, chị tự ngâm các loại quả rừng như chòi mòi, me rừng, bụp giấm thành siro trái cây để bán.
Ngôi nhà năm gian được cải tạo một phần làm quán cà phê nho nhỏ và chỗ nghỉ dưỡng cho khách đến du lịch Măng Đen.
Trồng dược liệu và bán các sản phẩm từ dược liệu, chị Tuyết lại mong muốn khách hàng có thời gian trải nghiệm trực tiếp quá trình trồng và sản xuất cũng như muốn giới thiệu Măng Đen đến bạn bè và khách hàng ưa trải nghiệm, chị Tuyết đã tận dụng ngôi nhà mình đang ở làm homestay và một tiệm cà phê nho nhỏ.
Chị Tuyết đã đón khách đến thăm quan và nghỉ tại nhà của mình từ tháng 5/2023.
“Quán cà phê nhỏ trong khuôn viên của ngôi nhà năm gian. Trong đó ba gian làm phòng nghỉ của homestay, gian còn lại là phòng khách và bếp. Tôi trực tiếp đón khách ăn nghỉ tại nhà, tự pha chế đồ uống, khách được trải nghiệm quá trình trồng cây, làm dược liệu, dẫn mọi người đi thăm quan Măng Đen, hái trái cây rừng, dược liệu với toàn bộ chi phí chỉ 150 nghìn đồng/người/ngày đêm”, chị Tuyết cho hay.
Ngoài tự trồng, sản xuất dược liệu do mình làm ra, chị Tuyết còn thu mua tiêu rừng của bà con địa phương để chưng cất tinh dầu.
Chị Tuyết cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ đẩy mạnh mở rộng trồng và sản xuất dược liệu, tạo thành vùng dược liệu, sản xuất nhiều sản phẩm và đa dạng sản phẩm hơn, cung cấp đến người tiêu dùng.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng lúc nào chị Tuyết cũng tràn đầy năng lượng, sự lạc quan trên hành trình khởi nghiệp của mình.
Một mình lên Măng Đen khởi nghiệp, tự mua đất, làm nhà, không có người thân hay bạn bè bên cạnh, chị Tuyết đã phải cố gắng không ngừng nghỉ suốt gần 10 năm. Tuy nhiên, chưa khi nào chị hối hận với quyết định bỏ phố lên rừng của mình năm đó, bởi khi ở đây, chị thấy hạnh phúc, an nhiên và được làm những gì mình thích.
Hồng Cảnh