Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất trình Chính phủ ban hành nghị quyết và trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Theo ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thủ tục để thụ hưởng gói hỗ trợ 38.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 116 sẽ được triển khai theo tinh thần "đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất". Dự kiến, gói hỗ trợ sẽ hoàn thành trong vòng 1,5 tháng.
Phóng viên: Thưa ông, sự khác biệt của gói hỗ trợ lần này so với những gói hỗ trợ đã được triển khai trước đây?
- Ông LÊ HÙNG SƠN: Có thể thấy cả hai chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ này đều chưa được quy định tại Luật Việc làm năm 2013. Do đó, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Gói hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ đang tham gia BHTN lần này thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước tới đời sống của NLĐ đang gặp khó khăn do Covid-19; thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHTN. Chính sách hỗ trợ này cũng cho thấy việc bảo đảm nguyên tắc về chia sẻ rủi ro, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.
Số NLĐ và doanh nghiệp (DN) được hưởng gói hỗ trợ lần này là khoảng bao nhiêu?
- Hiện có khoảng gần 15 triệu người đang tham gia BHTN. Tuy nhiên, nhằm thể hiện tính nhân văn của chính sách, trừ đi khoảng gần 2 triệu NLĐ thuộc các đối tượng không được nhận chính sách hỗ trợ (các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên) thì có khoảng gần 13 triệu NLĐ và 368.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lần này là những ai?
- Đối với NLĐ, đối tượng thụ hưởng là những NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được NSNN bảo đảm chi thường xuyên) và NLĐ đã bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ ngày 1-1-2020 tới hết 30-9-2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021 vẫn được hưởng chính sách.
Bên cạnh nhóm NLĐ được hỗ trợ, Nghị quyết Chính phủ nêu rõ: Giảm mức đóng vào Quỹ BHTN từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng, giảm trong vòng 12 tháng (kể từ ngày 1-10-2021 đến hết 30-9-2022) cho NSDLĐ. Được thụ hưởng chính sách này là NSDLĐ đang tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021, không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên.
Những NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng lao động có được nhận gói hỗ trợ này không?
- NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021 vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ.
Thủ tục hưởng gói hỗ trợ này ra sao?
- Với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ có liên quan, BHXH Việt Nam đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ NLĐ, DN một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất. Đối với 38.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, hằng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó chúng tôi sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ BHTN của DN. Đối với 13 triệu NLĐ, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia BHTN và xác định thời gian tham gia BHTN. Tất cả thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam.
Phương thức chi trả cho NLĐ được triển khai thế nào?
- Về phương hướng chi trả, đối với NLĐ đang tham gia BHTN tại DN, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chi trả chính sách hỗ trợ NLĐ qua tài khoản vừa bảo đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như bảo đảm tốt việc phòng chống dịch Covid-19, tránh tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, NLĐ đang làm việc tại DN chỉ cần cung cấp cho DN số tài khoản cá nhân, còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân, như số CMND/căn cước công dân và thời gian tham gia BHTN của NLĐ cơ quan BHXH sẽ in sẵn để NLĐ đối soát.
Một số trường hợp đặc biệt khi NLĐ không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan BHXH sẽ chi trả qua DN. Tuy nhiên, để bảo đảm sự kịp thời và minh bạch, BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất. Đối với NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ ngày 1-1-2020 đến nay, những NLĐ đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở DN, đã về các địa phương... thì sẽ được cơ quan BHXH tỉnh/huyện tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của NLĐ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng (từ ngày 1-10 đến 31-12-2021). Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ trong 1,5 tháng. Mục tiêu này có khả thi?
- Ngay sau khi Nghị quyết 116 của Chính phủ được ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của ngành, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như BHXH các địa phương sẵn sàng các nội dung: nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng và mức hưởng; lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ. Tôi cho rằng dự kiến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ của Bộ LĐ-TB-XH là khả thi. Về phía BHXH Việt Nam, công tác triển khai đã sẵn sàng, có thể hoàn thành sớm hơn nếu như DN và NLĐ tích cực phối hợp với cơ quan BHXH. Hiện chỉ có một khó khăn là khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu BHTN tản mát ở các địa phương. Chính vì thế, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cấp ủy các chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ chủ động đến các cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện là rất quan trọng. Đây là yếu tố quyết định việc có hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ đúng tiến độ hay không.
Bảo đảm khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Trả lời câu hỏi "Hiện kết dư của Quỹ BHTN là hơn 90.000 tỉ đồng, vậy khi trích ra 38.000 tỉ đồng để triển khai gói hỗ trợ này liệu có ảnh hưởng tới tính an toàn và hoạt động lâu dài của Quỹ BHTN hay không?", ông Lê Hùng Sơn khẳng định trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách BHTN, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối Quỹ BHTN trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, quỹ sẽ bảo đảm cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện như hiện nay.
Ngọc Diệp