Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân. Đặc biệt, ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bị nạn theo quy định. Chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở, kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, sáng ngày 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có công điện hỏa tốc về việc khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND TP.Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai chỉ đạo lực lượng công an, quân đội và các lực lượng tại địa phương huy động, tăng cường nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn tại khu vực sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc.
Song song với đó là chuẩn bị các phương án, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả ngay khi có sự cố xảy ra và đưa người dân đến nơi an toàn.
"Đối với UBND các huyện, Tp.Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Trong đó tập trung đối với các khu vực đồi núi dọc các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện để chủ động huy động phương tiện, nhân lực của các địa phương nhằm chủ động xử lý, ứng phó chống sạt lở đất, đá và cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân phòng tránh, hạn chế qua lại.
Kiên quyết di dời (cưỡng chế khi cần thiết), sơ tán ngay các hộ dân khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối đến tính mạng, tài sản của nhân dân", công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ.
Trước đó, chiều ngày 30/7, vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc đã vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT cùng 1 người dân. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hàng trăm chiến sĩ, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân. Đến ngày 31/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 chiến sĩ công an và 1 thi thể người dân gặp nạn.