Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Ảnh: AP
Guardian ngày 27/9 đưa tin, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã chỉ trích Washington, cho rằng Mỹ cần phải tôn trọng các nhà lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương.
Tuần này, ông Biden sẽ tiếp đón một số lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương tới dự cuộc họp thượng đỉnh ở Washington. Tuy nhiên, ông Sogavare không tham dự sự kiện này mà cử Ngoại trưởng Solomon đi thay.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Honiara ngày 27/9, Thủ tướng Quần đảo Solomon cho rằng, Mỹ cần thay đổi chiến lược khi gặp các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương và ngừng "lên lớp" họ.
"Họ phải thay đổi chiến lược khi tiếp đón các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Ít nhất, chúng tôi vẫn có các đại diện ở đó. Chúng tôi có 3 phút để nói và phần còn lại phải ngồi nghe Washington giảng giải, lên lớp về việc họ giỏi thế nào", ông Sogavare nói.
Giữa tháng 8, Thủ tướng Quần đảo Solomon từng từ chối gặp các thành viên của một phái đoàn quốc hội cấp cao Mỹ, gồm các đại diện tới từ Ủy ban cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chính phủ Quần đảo Solomon không trả lời ngay lập tức lý do từ chối gặp phái đoàn Mỹ.
Matthew Wale, lãnh đạo một phe đối lập ở Quần đảo Solomon, mô tả việc chính phủ nước này không tiếp phái đoàn cấp cao của Mỹ thực sự là "một nỗi hổ thẹn". "Thủ tướng và văn phòng của ông ấy đã coi thường Washington", ông Wale nói.
Phát biểu mới của Thủ tướng Quần đảo Solomon được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo và các cựu nhà ngoại giao ở Thái Bình Dương cho rằng Washington đang cố gắng tìm lại tầm ảnh hưởng trong khu vực sau thời gian dài vắng bóng.
Kaliopate Tavola, một cựu bộ trưởng của Fiji và cựu Đại sứ Fiji tại EU cho rằng, Mỹ đang "cố để bắt kịp các nước khác" về tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
"Mỹ đã vắng mặt ở khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ và nước này đang tìm cách quay trở lại. Động cơ của sự trở lại lần này rõ ràng có liên quan tới Trung Quốc", ông Tavola nhận định.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Biden đã cam kết làm việc với quốc hội Mỹ để cấp 200 triệu USD tài trợ cho các dự án ở khu vực Thái Bình Dương, nhằm làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Washington cũng tuyên bố sẽ mở quan hệ ngoại giao với 2 đảo quốc Thái Bình Dương là Quần đảo Cook và Niue.
Nguyễn Thái - Guardian