Thủ tướng đề nghị UNESCO xem xét công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thế giới

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 3, 06/09/2022 22:51

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn UNESCO tiếp tục xem xét công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Chiều ngày 6/9/2022, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/9/2022.  

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng gặp lại Tổng Giám đốc Audrey Azoulay tại Việt Nam kể từ lần thăm Trụ sở UNESCO tháng 11/2021 nơi hai bên ký Bản Ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng cảm ơn UNESCO luôn đồng hành hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin-truyền thông. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước, “văn hóa còn là đất nước còn, văn hóa mất là đất nước mất”.

Thủ tướng chia sẻ cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong xử lý các thách thức chung, không hy sinh phúc lợi xã hội, môi trường vì phát triển kinh tế đơn thuần.

Tiêu điểm - Thủ  tướng  đề nghị UNESCO xem  xét công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay - Ảnh: baochinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức UNESCO, chủ động tham gia các hoạt động và đóng góp vào các nỗ lực của tổ chức vì hòa bình, hợp tác và phát triển của quốc gia thành viên. 

Đặc biệt, Việt Nam sẽ tích cực phát huy vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước Di sản Phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Với mong muốn đóng góp tích cực, chủ động vào các vấn đề mà UNESCO và các thành viên quan tâm, Việt Nam đang ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của UNESCO và các nước thành viên trong thời gian qua khi công nhận nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và mong muốn UNESCO tiếp tục xem xét công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới cũng như các hồ sơ di sản khác của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng giáo dục và việc phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị UNESCO hỗ trợ để Việt Nam có thể cử nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn để làm việc tại các tổ chức đa phương, trong đó có UNESCO.

Tổng Giám đốc UNESCO cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn, chúc mừng những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bà bày tỏ ấn tượng về tầm sâu của nền văn hóa Việt Nam và khẳng định Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của UNESCO, mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin – truyền thông của UNESCO cũng như tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đánh giá cao và cam kết sẽ hết sức nỗ lực ủng hộ các đề xuất của Thủ tướng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa tổ chức UNESCO và Việt Nam cũng như đồng hành cùng Việt Nam trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các lĩnh vực hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của UNESCO.

Bà Tổng Giám đốc chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới 1972 tại Ninh Bình và cho rằng Ninh Bình là hình mẫu về việc bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và cùng với đó người dân trở thành chủ thể gìn giữ, bảo vệ và tuyên truyền về di sản cho khách tham quan.

Bà khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản, nhận thấy chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng chính sách văn hoá, gìn giữ và phát huy di sản; đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam coi giáo dục là một trong những động lực phát triển của quốc gia.

Bà Audrey Azoulay cho rằng Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện để đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, trong đó có một số hội nghị và kỳ họp quan trọng của UNESCO trong thời gian tới.

Bà Tổng Giám đốc bày tỏ vinh dự được tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24 C/18.65 năm 1987 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và cho rằng dù thế giới có thể thay đổi nhưng những tư tưởng, giá trị về văn hóa, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi, là minh chứng cho sức mạnh của một Việt Nam độc lập, thống nhất và hiện đại.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.