Ngày 30/10, trong Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã kêu gọi các nền kinh tế cường quốc tham gia chung tay tăng tốc độ tiêm vắc-xin cho các nước nghèo. Ông cho rằng khoảng cách tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu hiện đang gia tăng ở mức “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”.
Theo hãng tin AP, ông Draghi, người chủ trì cuộc họp thượng đỉnh G20 kéo dài trong 2 ngày 30/10 và 31/10, phát biểu: “Chỉ có 3% dân số ở những quốc gia nghèo nhất thế giới đã tiêm chủng, trong khi có tới 70% dân số ở các nước giàu đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc- xin phòng Covid-19”.
Lời kêu gọi hỗ trợ vắc-xin công bằng hơn cho các nước thu nhập thấp là một chủ đề xuyên suốt hội nghị thượng đỉnh G20, phiên khai mạc thứ Bảy ngày 30/10 của Hội nghị đã tập trung vào vấn đề sức khỏe toàn cầu và khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch. Trong khi các nước giàu đã sử dụng vắc-xin và các gói kích thích để khởi động lại hoạt động kinh tế, thì các nước đang phát triển đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu do tỷ lệ tiêm chủng thấp và khó khăn về nguồn tài chính.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng các nước giàu đã chi khoảng 28% sản lượng kinh tế hàng năm nhằm khắc phục hậu quả đại dịch, trong khi con số này đối với các nước nghèo nhất chỉ là 2%. Người đứng đầu LHQ cho rằng sự chia rẽ về địa chính trị đã cản trở kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. “Việc tích trữ vắc-xin và chủ nghĩa dân tộc vắc-xin đã khiến kế hoạch tiêm chủng toàn cầu thụt lùi”, ông Antonio Guterres nói.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị để trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi trong nỗ lực nhằm hỗ trợ hơn nữa các nền kinh tế nghèo nhất của châu lục này hồi phục hậu đại dịch Covid-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm thứ Sáu ngày 29/10 rằng ông hy vọng G20 sẽ hỗ trợ thêm 100 tỷ USD cho các nền kinh tế châu Phi. Số tiền này sẽ được cung cấp thông qua việc phân bổ lại Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD- một công cụ ngoại hối được sử dụng để hỗ trợ tài chính do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành.
Biến đổi khí hậu, vắc-xin, phục hồi kinh tế xã hội hậu đại dịch và thuế quốc tế là những chủ đề được các nhà lãnh đạo trao đổi trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra theo hình thức trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Phạm Thu Thanh (theo AP, Time)