Đây là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ những định hướng, chiến lược phát triển; thúc đẩy hợp tác, khai mở các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước; góp phần làm sâu sắc, thực chất, hiệu quả quan hệ Việt Nam - Malaysia.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều nước thay đổi chính sách và xuất hiện nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không nước nào tự giải quyết được một mình.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp, không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các doanh nghiệp, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề của nước mình, doanh nghiệp mình, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình "Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia" (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cho biết, sau 40 năm Đổi mới, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới; thuộc nhóm các nước đang thúc đẩy thu hút FDI lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 FTA trên 60 nền kinh tế.
Năm 2025 là năm Việt Nam thực hiện "tăng tốc, bứt phá, về đích" để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tạo tiền bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để thực hiện 3 đột phá chiến lược, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, theo hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".
Trong đó, hoàn thiện thể chế theo hướng vượt trội, đồng thời hài hòa hóa với khu vực ASEAN cũng như thế giới; đẩy mạnh kết nối hạ tầng thông suốt giữa các tỉnh, các vùng, kết nối quốc gia, quốc tế theo hướng đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đó, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ; chuyển trạng thái từ thụ động xử lý sang chủ động phục vụ công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, phát động phong trào toàn dân làm giàu; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới, mở rộng quan hệ với các quốc gia và đối tác quốc tế; dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới và quốc tế hóa các giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Chương trình "Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia" (Ảnh: VGP).
Trên nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam – Malaysia, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước chủ động, tích cực để góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa quan hệ tốt đẹp này, tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Malaysia tiếp tục mở rộng đầu tư, tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển; không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, hạnh phúc, ấm no của người dân cũng như mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Malaysia vì hòa bình và thịnh vượng.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối trong ASEAN, trong đó có kết nối giữa Việt Nam và Malaysia, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, kinh tế sáng tạo…; đồng thời làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; không hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế, ưu tiên biện pháp kinh tế trong xử lý các vụ việc.
Với quan điểm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "3 cùng", gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.