Thủ tướng thị sát, thăm hỏi người dân tại tỉnh khô hạn nhất cả nước

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Chủ nhật, 28/04/2024 16:14

Với khí hậu khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa chỉ khoảng 700-800 mm một năm, Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô kéo dài 9/12 tháng.

Trưa 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 04 ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11 ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cách đây 2 năm, tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới khảo sát hệ thống thủy lợi Tân Mỹ của Ninh Thuận. Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Với khí hậu khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, lượng mưa chỉ khoảng 700-800 mm một năm, Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước, mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm.

Tiêu điểm - Thủ tướng thị sát, thăm hỏi người dân tại tỉnh khô hạn nhất cả nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ảnh: VGP).

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm thoát khỏi khô hạn bằng cả giải pháp công trình, phi công trình, sử dụng tiết kiệm nước, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh này hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài.

Theo tỉnh Ninh Thuận, có nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam; khả năng xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn cục bộ vào sâu trong sông từ 0,5 đến 1,5 km, riêng sông Cái Phan Rang từ 4 đến 6 km.

Đến ngày 25/4/2024, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 165,11 triệu m3 đạt 39,5% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 14,7% và năm 2023 là 20,4%). Hiện nay, có 2/23 hồ đã hết nước, có 3/23 hồ đã xuống dưới mực nước chết; sẽ có 4/23 hồ trong thời gian tới sẽ hạ thấp tới mực nước chết.

Từ nay đến tháng 5/2024 nếu trên địa bàn tỉnh không có mưa thì 6 khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt với 5.288 hộ/17.503 khẩu. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa nên vụ Hè Thu sẽ sản xuất theo phương án với tổng diện tích hơn 23.460 ha chỉ đạt 75,6% so với vụ Hè Thu năm 2023 (31.050 ha).

Trên công trường dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch lại hệ thống hồ thủy lợi, khai thác liên thông, dẫn nước giữa các hồ để điều tiết, sử dụng nước hài hòa, phù hợp, hiệu quả, cố gắng khắc phục vấn đề khô hạn trong năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.

Theo Thủ tướng, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm nước canh tác, sản xuất và sinh hoạt của người dân của tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 7.000 ha và cả phía nam Khánh Hòa, bắc Bình Thuận, nhất là kịp thời ứng phó cao điểm khô hạn trong tháng 5, tháng 6 tới đây.

Tiêu điểm - Thủ tướng thị sát, thăm hỏi người dân tại tỉnh khô hạn nhất cả nước (Hình 2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn (Ảnh: VGP).

Dưới trời nắng như đổ lửa, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người lao động đang thi công dự án và tìm hiểu tình hình hạn hán, đời sống, hoạt động canh tác của người dân.

Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện bà con chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, cần đổi mới theo hướng sản xuất lớn, liên kết theo mô hình hợp tác xã, vận dụng các quy định mới của Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất về các ngành hàng có lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp để hỗ trợ sản phẩm đầu vào và đầu ra, sự tham gia của ngân hàng để hỗ trợ về vốn, từ đó mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn.

Bà con cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng với tỉnh Ninh Thuận và người dân, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi để bảo đảm cung cấp nước trên địa bàn.

Thủ tướng cho rằng nước là vấn đề khó khăn nhất, điểm nghẽn lớn nhất với Ninh Thuận, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ và mong bà con cùng tham gia, góp sức để giải quyết vấn đề này cho Ninh Thuận.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.