Thủ tướng: "Tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”

Thủ tướng: "Tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 3, 29/12/2020 21:10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các đồng chí bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”.

Ngày 29/12, hội nghị Chính phủ với các địa phương nghe ý kiến phát biểu của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương qua gần 1,5 ngày làm việc liên tục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tất cả 63 địa phương đều gửi bài tham luận với 319 kiến nghị cụ thể, trong ngày hôm qua đã có 20 địa phương phát biểu, có 84 kiến nghị về nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt đề xuất các chính sách đặc thù và yêu cầu các bộ và Chính phủ hướng dẫn thực thi.

Thủ tướng giao bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo nghị quyết 01, 02 trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, không để chậm trễ.

Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho các địa phương, “các đồng chí bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”.

Diễn đàn - Thủ tướng: 'Tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Đánh giá kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng dẫn lại hai câu thể hiện khái quát nhất, sâu sắc nhất trong phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị. Đó là, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt.

Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020 và là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng nêu rõ, tại hội nghị này, “chúng ta thống nhất chủ đề năm 2021 là: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khi khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Phấn đấu tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Đó là ngay từ đầu năm nay, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển. Chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới.

Để phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững thì phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững. Không được để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua.

Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. 1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300.000 việc làm, “không có việc làm thì người dân thu nhập từ đâu”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí có tổ chức còn dự báo trên 8%. Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

 “Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế”. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.

Hương Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.