Rạng sáng ngày 5/12, Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã tuyên bố từ chức sau khi chịu một thất bại nặng nề trong một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp ngày 4/12.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi phát biểu trong cuộc họp báo tại Chigi, Rome ngày 5/12. (Ảnh: Reuters)
Ngay sau khi “trái bom” Ý phát nổ, thị trường tài chính châu Âu đã vấp phải cú sốc lớn. Theo số liệu của CNN Money cuối ngày 5/12, tỷ giá đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua so với đồng USD.
“Kể từ sau Brexit, Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu EU, thì khủng hoảng chính trị ở Ý là sự kiện lớn nhất ở châu Âu trong năm 2016. Không giống như Brexit, Anh rời EU không ảnh hưởng đến Eurozone. Nhưng việc Thủ tướng Ý tuyên bố từ chức, nguy cơ cho một cuộc khủng hoảng hệ thống ở Eurozone là rất lớn”, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của tập đoàn Berenberg dự báo.
Không những vậy, khủng hoảng chính trị tại Ý cũng dấy lên lo ngại về một giai đoạn bất ổn chính trị mới, thậm chí có thể gây ra sự xáo trộn về kinh tế tại quốc gia châu Âu này.
“Kể từ giữa năm 2016, phong trào Năm Sao, đảng đối lập tại Ý đã kêu gọi trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục tham gia Eurozone hay không. Trước thất bại của ông Renzi, nếu EU không có can thiệp sớm thì đảng phong trào Năm Sao sẽ lên nắm quyền, Ý sẽ ra khỏi Eurozone, EU sẽ tan vỡ”, chuyên gia kinh tế John Follain của Bloomberg nhận định.
Có cái nhìn lạc quan về “sóng gió” đang diễn ra tại Ý, chuyên gia phân tích rủi ro tài chính Chiara Albania của JPMorgan Chase chỉ ra, khả năng Ý ra khỏi Eurozone là rất ít.
“Tôi muốn lấy dẫn chứng về cuộc thăm dò được thực hiện tại Ý cuối tháng 11 cho thấy, chỉ có 15,2% người dân nước này mong muốn rời khỏi Eurozone, trong khi gần 70% khẳng định họ muốn ở lại khối này. Thêm vào đó, hiến pháp Ý cấm việc bãi bỏ các thỏa thuận, hiệp định quốc tế thông qua phiếu bầu phổ thông, thậm chí nếu người Ý bỏ phiếu có cho việc rời bỏ Eurozone thì kết quả vẫn có thể được thay đổi dựa vào quyết định của Tòa án tối cao nước này”.
Giới phân tích cũng cho rằng đây là sẽ là cú sốc mới cho EU sau nhiều cuộc khủng hoảng gần đây. Đồng thời việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump cũng đang tạo nên một số “làn sóng” thuận lợi cho phe cánh hữu và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng người nhập cư cũng gây nên những bất đồng sâu sắc và chia rẽ ở khắp châu lục này.
Hiện Ý là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu sử dụng đồng Euro, không chỉ riêng các thành viên trong Eurozone mà rộng ra là các thành viên EU đang đối mặt với mối đe dọa từ một cuộc khủng hoảng tài chính, bất ổn chính trị. Từ giờ tới cuối năm 2016 sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất, đòi hỏi các lãnh đạo Eu “tỉnh táo” nhất để “chèo lái” châu Âu bước ra khỏi khó khăn này.
Phương Anh