Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về nội dung “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19”.
Trong buổi giải trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, mục đích của phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thừa thiếu giáo viên cục bộ môn học, cấp học
Thực tế hiện nay ngành giáo dục đang rơi vào tình trạng thừa giáo viên ở cấp học học này nhưng thiếu ở cấp học khác.
Cụ thể, liên quan đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT).
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như ngữ văn, toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật....
Các địa phương cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Mong giáo viên sống được bằng lương
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề thừa/thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bảy tỏ, đây là vấn đề lớn, liên quan đến tổng thể các giải pháp làm thế nào đảm bảo lâu dài và bền vững việc sắp xếp phù hợp giáo viên.
Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể tuy nhiên để thực thi các giải pháp này không chỉ phụ thuộc vào nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương.
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng thừa/thiếu giáo viên như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, về mặt giải pháp, Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Bên cạnh đó chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh cho biết: “Cụ thể hóa từ thực tiễn, giải quyêt mối quan hệ kế thừa, đổi mới, phát triển và đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó, vấn đề cốt lõi là đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Nếu đội ngũ này đảm bảo có năng lực, chất lượng tốt sẽ nâng cao chất lượng giáo dục nói chung,...”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chính sách đối với nhà giáo, đại diện Cục Nhà giáo cho biết, quan điểm của Bộ mong muốn giáo viên sống được bằng lương, yên tâm công tác trong ngành.
Tuy nhiên, chính sách tiền lương đang được thực hiện theo luật viên chức và quy định tiền lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp. Vì vậy, việc xếp các mức lương giáo viên phải thực hiện theo quy định chung, hiện chưa có thang bảng lương ưu tiên đối với giáo viên.
Đại diện Cục Nhà giáo cũng thừa nhận, giáo viên được hưởng thêm các phụ cấp, thâm niên công tác. Tuy nhiên, với tổng thu nhập như vậy so với mức sống hiện nay vẫn còn khó khăn.
Bộ cũng đã tham mưu xây dựng chính sách tiền lương, mức lương đảm bảo cao nhất trong thang bảng lương hành chính,..
Cũng tại phiên giải trình, các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu một số nội dung liên quan đến thiếu giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thiếu giáo viên khu công nghiệp; chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non; chế độ tuyển dụng với giáo viên phổ thông và giáo viên mầm non; bất cập trong điều động, luân chuyển giáo viên.