Mới đây, ông Trịnh Đình Trường – Chủ tịch HĐQT CTCP Cà phê Gia Lai (UPCoM: FGL) và vợ là bà Lê Thị Thanh Tình đồng loạt đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu FGL đang nắm giữ.
Với lý do thoái vốn, Chủ tịch Trịnh Đình Trường đăng ký bán toàn bộ 738,505 cp FGL đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 5.03%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 08-17/05/2024.
Cùng giai đoạn này, vợ ông Trường là bà Lê Thị Thanh Tình đã đăng ký bán toàn bộ 1 triệu cp FGL (tỷ lệ 6.81% vốn) từ ngày 13-17/05 với cùng lý do thoái vốn, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, vợ chồng ông Trường sẽ giảm sở hữu tại FGL xuống 0% và không còn là cổ đông lớn tại DN này
Chiều ngược lại, FGL đón cổ đông lớn cá nhân là bà Nguyễn Thị Thu Vân trong ngày 08/04 sau khi vị này mua thỏa thuận 434,913 cp và nâng tỷ lệ sở hữu từ 3.7% lên 6.66% (tương ứng 977,531 cp). Giá trị thương vụ vào khoảng 4.35 tỷ đồng, tương đương bình quân 10,000 đồng/cp, thấp hơn 9% thị giá kết phiên 08/04 (11,000 đồng/cp).
Được biết, động thái muốn "dứt áo ra đi" của vợ chồng Chủ tịch Trịnh Đình Trường diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu FGL đã giảm 12% so với đầu năm, đang đứng yên mức 11,000 đồng/cp suốt hơn 1 tháng qua và gần như "trắng" thanh khoản, nhiều phiên không có giao dịch.
Đồng thời, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu FGL tiếp tục vào diện cảnh báo bắt đầu từ ngày 25/04/2024 do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Nổi bật trong đó là ý kiến nhấn mạnh của tổ chức kiểm toán về yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của FGL do thời điểm cuối năm 2023, Công ty đang lỗ lũy kế 87 tỷ đồng, nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn 12 tỷ đồng.
Khó khăn tiếp tục "đeo bám" với FGL khi lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng trong quý 1/2024 và nâng số lỗ lũy kế lên trên 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 9 liên tiếp, Công ty kinh doanh dưới giá vốn kể từ quý 4/2021.
Trên thị trường chứng khoán, đà tăng của thị trường tiếp tục được duy trì trong phiên 7/5. Mặc dù đối diện với rung lắc song chỉ số vẫn bứt phá trở lại và đóng cửa tại vùng điểm cao trong ngày. Kết quả. số VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp tăng điểm, dừng ở mức 1.248,63 điểm. Giao dịch khối ngoại tích cực khi mua ròng với giá trị 144 tỷ đồng.
Với việc tiến sát mốc 1.250 điểm, đa phần các công ty chứng khoán đều nhận định áp lực điều chỉnh sẽ mạnh dần lên và chỉ số sẽ rung lắc mạnh. Nhà đầu tư nên thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi.
Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp khi chỉ số VN-Index đang giao dịch tại đường trung bình 50 phiên. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên nhịp điều chỉnh có thể vẫn sẽ còn xuất hiện liên tục và đan xen trong những phiên giao dịch tới. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng về vùng quá mua cho nên áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng lên và các nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở nhóm này để tránh các rủi ro T+.
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để mua mới hay tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì nhận định VN-Index sẽ sớm gặp phải thử thách kế tiếp tại vùng quanh 1.260 (+-10) điểm - vốn được xem là chốt chặn quan trọng cần vượt qua để có thể củng cố thêm cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm. Do đó áp lực rung lắc mạnh nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại đây.
KBSV khuyến nghị NĐT tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, tiếp tục bán giảm tỷ trọng các vị thế trading khi chỉ số tiếp cận vùng cản và chỉ mua trở lại từng phần trong nhịp điều chỉnh sau đó.
Tuấn Kiệt