Ngày 2/9, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã chủ trì buổi làm việc với sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện các sở ngành liên quan để bàn phương án hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương.
Theo báo cáo của sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay có 25.160 lao động trong độ tuổi lao động trở về địa phương. Trong đó có 16.198 lao động có nhu cầu học nghề và vay vốn tạo việc làm, chiếm 64,4% số lao động trong độ tuổi lao động ngoại tỉnh trở về địa phương; 9.791 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm, chiếm tỷ lệ 38,5%; 1.431 lao động có nhu cầu học nghề, chiếm tỷ lệ 5,7%; 342 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chiếm tỷ lệ 1,4%; 4.618 lao động có nhu cầu vay vốn, chiếm tỷ lệ 18,4%.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông, theo thống kê hiện nay có 34 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 7.669 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, công nghiệp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đơn vị này đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương như như tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề tuyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nhiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm, thông tin, tuyên truyền về các chương trình, chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình lao động ngoại tỉnh trở về địa phương và nhu cầu giới thiệu việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, một số nhiệm vụ và giải pháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương rà soát, thống kê, nắm lại tình hình về chất lượng, tay nghề, kinh nghiệm của người lao động, số lượng lao động làm việc ngoại tỉnh trở về; thông báo thông tin về nhu cầu làm việc, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp tại đại phương.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, trên cơ sở của việc rà soát, tổng hợp số liệu, tình hình từ các địa phương, doanh nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo cụ thể và tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, nhằm sớm kết nối người lao động với các doanh nghiệp, kịp thời giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề sớm ổn định cuộc sống cho người lao động.
Trước đó, vào ngày 24/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo chính thức chương trình "Kết nối hỗ trợ công dân Thừa Thiên – Huế gặp khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam".
Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến hỗ trợ đợt 1 bằng tiền mặt với mức 1 triệu đồng/hộ nhằm chia sẻ với những trường hợp đang gặp khó khăn, mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch một cách có hệ thống lâu dài. Chương trình kết nối hỗ trợ với phương thức thiết lập mối quan hệ giữa chính quyền cấp phường, xã với công dân gặp hoàn cảnh khó khăn ở vùng có dịch thông qua gia đình hoặc người thân tại quê nhà.