Thượng đỉnh Mỹ-Pháp: Điều cả ông Biden và ông Macron đều muốn và cần

Thượng đỉnh Mỹ-Pháp: Điều cả ông Biden và ông Macron đều muốn và cần

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 29/11/2022 15:36

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington, Tổng thống Pháp Macron mang theo một danh sách các mong muốn đối với Mỹ - đồng minh lâu năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp lên đường tới Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đánh dấu sự hồi sinh của các hoạt động ngoại giao đã bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp có một khởi đầu khó khăn theo sau thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS với Australia. Nhưng nay tình hình đã thay đổi khi họ đứng về cùng một chiến tuyến trong phản ứng của phương Tây đối với xung đột Nga-Ukraine. Chuyến thăm này — bao gồm các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục, bữa tối thịnh soạn, họp báo và hơn thế nữa — diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo.

Trọng tâm nghị sự

Theo các quan chức Mỹ và Pháp, hai vị Nguyên thủ Quốc gia sẽ có một chương trình nghị sự dài cho cuộc hội đàm chính thức vào ngày 1/12 tại Nhà Trắng, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran, phản ứng đối với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những lo ngại ngày càng tăng về an ninh và ổn định ở khu vực Sahel của châu Phi.

Nhưng trọng tâm trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục của họ sẽ là xung đột Nga-Ukraine, khi cả ông Biden và ông Macron đều nỗ lực tìm cách duy trì hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Kiev.

Thế giới - Thượng đỉnh Mỹ-Pháp: Điều cả ông Biden và ông Macron đều muốn và cần

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bữa tối tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Elmau, Đức, ngày 26/6/2022. Ảnh: AP/Spectrum News

Tại Washington, Đảng Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, nơi lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy tuyên bố rằng Đảng Cộng hòa sẽ không viết “tấm séc trắng” cho Ukraine nữa.

Bên kia Đại Tây Dương, những nỗ lực của ông Macron nhằm giữ cho châu Âu thống nhất sẽ được thử thách bằng chi phí ngày càng tăng trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đã kéo sang tháng thứ 10, và khi châu Âu phải vật lộn với việc giá năng lượng tăng cao có nguy cơ làm hỏng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nhưng có lẽ cấp bách hơn là vấn đề về Đạo luật giảm lạm phát (IRA) mà chính quyền Tổng thống Biden thông qua hồi tháng 8, bao gồm mức chi tiêu cao kỷ lục cho các sáng kiến khí hậu và năng lượng.

Các quốc gia sản xuất ô tô lớn như Pháp và Đức đang tức giận vì IRA. Họ lập luận rằng những ưu đãi cho giao dịch mua xe điện Mỹ sẽ khiến dòng chảy đầu tư thoát ra khỏi châu Âu hơn nữa.

Trong bối cảnh châu Âu ngày càng thất vọng rằng Mỹ đang thu lợi từ cuộc giao tranh trên “lục địa già” trong khi các đồng minh của họ đang gặp khó khăn, ông Macron đã cáo buộc Mỹ theo đuổi cách tiếp cận bảo hộ “hung hăng” và nói rằng giá khí đốt của Mỹ là không “thân thiện”.

Nếu vấn đề không được giải quyết thỏa đáng, một cuộc thương chiến xuyên Đại Tây Dương ít nhiều sẽ không thể tránh khỏi, gây rủi ro cho một cuộc chạy đua trợ cấp giữa châu Âu và Mỹ và các mức thuế “ăn miếng trả miếng”.

Dung hòa khác biệt

Ngoài việc điều chỉnh IRA để các nhà sản xuất châu Âu được hưởng lợi từ các đặc quyền giống như các nhà sản xuất Canada và Mexico, người Pháp cũng muốn chính quyền ông Biden gây áp lực buộc các công ty bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu phải giữ giá ở mức chấp nhận được và giúp người châu Âu chống chịu gánh nặng từ các biện pháp trừng phạt.

Điện Élysée tin rằng Tổng thống Mỹ có một số “lựa chọn” có thể thực hiện để hạ giá thành khí đốt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có muốn nhượng bộ các yêu cầu của Pháp hay không.

Thế giới - Thượng đỉnh Mỹ-Pháp: Điều cả ông Biden và ông Macron đều muốn và cần (Hình 2).

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước cuộc hội đàm tại Đại sứ quán Pháp tại Vatican ở Rome, Italy, ngày 29/10/2021. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp Macron dự kiến đến Washington vào tối ngày 29/11 để chuẩn bị cho một lịch trình dày đặc vào ngày hôm sau 30/11, bao gồm chuyến thăm trụ sở NASA với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, buổi nói chuyện với các quan chức Nhà Trắng về năng lượng hạt nhân, buổi lễ tại nghĩa trang quân đội Arlington, và bữa tối riêng với gia đình ông Biden.

Vào ngày 1/12, Tổng thống Pháp sẽ được chào đón chính thức tại Nhà Trắng bằng loạt đại bác và duyệt binh. Tiếp theo, hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm song phương, sau đó là cuộc họp báo chung và quốc yến.

Có rất nhiều điều mà hai Tổng thống sẽ đồng ý. “Ông Biden là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ông ấy thích người châu Âu. Đã có một số căng thẳng với ông Macron, nhưng không có nhiều khác biệt trong quan điểm của họ về nhiều chủ đề”, bà Nicole Bacharan, nhà khoa học chính trị và tác giả người Mỹ gốc Pháp, cho biết.

“Tôi nghĩ chuyến thăm sẽ thành công vì cả hai đều muốn và cần nó. Ông Macron và ông Biden có thể hòa thuận. Đã có khoảnh khắc AUKUS xấu xí, nhưng xung đột Nga-Ukraine đã gắn kết họ lại với nhau”, bà nhận xét.

Minh Đức (Theo Politico.eu, AP)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.