Triển lãm chuyên đề “Dáng ngọc” trưng bày hơn 200 cổ vật ngọc tiêu biểu gồm nhiều loại hình, đến từ nhiều nền văn hoá cho người dân và du khách tìm hiểu và thưởng lãm. Phần lớn hiện vật lần đầu được ra mắt trong nước.
Bảo tàng lịch sử TP.HCM hiện đang lưu giữ sưu tập cổ ngọc Việt Nam có niên đại từ thời tiền sơ sử thuộc các nền văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai đến đầu thể kỷ 20 và cổ ngọc Trung Quốc. Hai bộ sưu tập nổi bật là bộ đá ngọc của Victor Thomas Holbe (1857-1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và sưu tập hiện vật ngọc của Dương Hà - tri thức Nam bộ đầu thế kỷ 20.
Ngọc là khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được con người sử dụng từ thời đại đá mới cách nay khoảng 5.000 năm và có ý nghĩa quan trọng trong các nền văn minh cổ đại. Ở phương Đông, ngọc biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp, ngọc còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, sự vĩnh cữu, thần bí và phúc lành.
Các cổ vật được chia thành nhiều nhóm với chức năng sử dụng tương đồng. Nhóm hiện vật gồm các bức trấn phong đặt trong thư phòng với nhiều đề tài trang trí về cảnh sinh hoạt thường ngày, điển xưa tích cũ… Phiến đá để làm trấn phong thường có sắc ngọc đẹp, được đánh bóng đường nét, phô bày vân đá trên các hoạ tiết.
Hiện vật ngọc dùng cho thờ cúng như đỉnh trầm, lư hương, bình là những khối ngọc khá lớn trong bộ sưu tập. Trong đó đồ đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ có phần qua cầm hai bên được trang trí bằng hình tượng rồng.
Móc thắt lưng bằng ngọc có từ thời Xuân Thu (772-481 trước Công nguyên) ở Trung Quốc, biểu tượng cho sự giàu có của người sở hữu. Móc được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như pha lê, mã não, ngọc bích, vàng…Sau thời gian bị thay thế bằng khoá thắt lưng, đến thời nhà Minh, Thanh móc được thịnh hành trở lại bởi những người yêu văn hoá cổ.
Các loại vòng, nhẫn cung thủ, ngọc bội thể hiện quyền lực, địa vị, phong thuỷ và giàu có trong xã hội. Trong đó nhẫn cung thủ vốn gắn liền với các cung thủ Trung Hoa cưỡi ngựa bắn cung vào thời cổ đại. Nhẫn được đeo trên ngón cái của tay kéo dây cung để bảo vệ ngón tay và điều khiển dây cung.
Trong nhóm ngọc bội nổi bật là chiếc ngọc bội có hai dây xích được lộng ngọc để các khuyên móc vào nhau tự nhiên qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân thời xưa.
Những vật dụng được làm bằng ngọc như bát, dĩa, chén, hộp đựng được chạm khắc kỳ công, độc đáo và mỹ thuật.
Nhóm hiện vật thuỷ trì gồm chậu đựng nước rửa bút, ống cắm bút bằng ngọc của giới thư phòng gồm nhiều đề tài, hoa văn trang trí được chạm khắc khéo léo.
Đây là loại đồ vật được được thể hiện cách điệu với nhiều hình tượng đa dạng như quả bầu, bắp cải, hoa sen rất sắc nét.
Các tượng tiên ông, ông thọ, tiên nữ, mục đồng, tượng động vật như đôi cá giao đuôi, khỉ ngồi trên lưng cá, bên quả đào…từ thế kỷ 18,19 được đánh giá đạt trình độ điêu khắc cao.
Gậy Như ý cũng thuộc nhóm hiện vật thể hiện quyền lực, địa vị của người xưa. Thời phong kiến, gậy ngọc như ý là vật bảo mang tính biểu tượng của vua chúa và giới quý tộc, được xem là thứ mang lại tiền tài, may mắn cho người sở hữu. Tại Việt Nam, thời nhà Nguyễn gậy Như ý còn là vật cầm của Hoàng thái tử. Gậy thường có dáng cong, mang hoa văn phong phú như chậu hoa lan - ý nghĩa chính trực, cao thượng, hươu, hạc, nấm linh chi dưới gốc thông tượng trưng cho sự chúc phúc, chúc thọ…
Ngoài ra, còn có các loại hình hiện vật bằng ngọc khác như kiếm có chuôi bằng ngọc, cụm ấn triện, con dấu, mảnh trang trí,…
Hồng Lam