Thưởng “nóng” 1 triệu đồng cho người đi triệt sản?

Thưởng “nóng” 1 triệu đồng cho người đi triệt sản?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
UBND TP. vừa ban hành quyết định mới về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 20112015, trong đó có sự thay đổi về mức hỗ trợ và khen thưởng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, người dân TP. hầu như không mấy quan tâm đến quyết định này.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, năm 2011, TP. có hơn 68.640 trẻ được sinh ra. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, số thai nhi bị phá bỏ chiếm 4/5 số trẻ được sinh ra, cao gấp ba lần cả nước.

Xã hội - Thưởng “nóng” 1 triệu đồng cho người đi triệt sản?

Phòng Kế hoạch hóa gia đình của bệnh viện Từ Dũ vắng tanh

"Bình cũ rượu mới"

Theo thống kê, cứ khoảng 100 trẻ được sinh ra thì có tới 75 trẻ không được chào đời. Đây là hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc nạo phá thai. Trong số người phá thai, 2% là dưới tuổi vị thành niên, còn lại tập trung ở lứa tuổi 16 đến 49 tuổi. Cán cân giới tính cũng đã bị lệnh vì số trẻ nam trên trẻ nữ là 106/100.

TP.HCM là địa phương đang nóng dần lên về phương diện dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tại quyết định về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 của UBND TP., người dân hoàn toàn được thực hiện miễn phí các biện pháp tránh thai và cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc tái khám, tháo dụng cụ tử cung và xử lý tai biến khi vỡ kế hoạch cũng được điều trị miễn phí.

Đáng chú ý trong quyết định mới lần này, mỗi người dân thực hiện biện pháp triệt sản sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và được chăm sóc, bồi dưỡng tại phòng y tế quận, huyện. So với giai đoạn trước đây, mức tiền thưởng hiện đã tăng gấp 10 lần.

Ông Nguyễn Duy Tâm (50 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi chạy xe hợp đồng cho bệnh viện Hùng Vương mấy chục năm nay, là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhưng theo tôi thấy không có nhiều người biết về chính sách này. Một số chỉ nghe đồn là có hỗ trợ này nọ, mà cụ thể bao nhiêu thì không rõ. Đa phần mọi người và cả tôi nữa đều thực hiện biện pháp kế hoạch theo ý thức chứ cũng không nghĩ tới hỗ trợ. Vợ tôi đã sử dụng biện pháp đặt vòng cho an toàn. Giờ nhà tôi chỉ có mỗi một cậu nhóc 4 tuổi thôi, ít để chăm sóc kỹ hơn".

Chính sách hỗ trợ triệt sản có cần thiết và hợp lý?

Trao đổi bên lề về những thay đổi trong quyết định mới của UBND TP., một cán bộ của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP. chia sẻ: "Sự thay đổi này là để phù hợp với sự gia tăng của giá cả thị trường, chia sẻ phần nào chi phí thực hiện biện pháp triệt sản cho người dân".

Trong vai người dân đến bệnh viện để được tư vấn kế hoạch hóa gia đình bằng biện pháp triệt sản, PV nhận được sự hướng dẫn từ phía các nhân viên ở bệnh viện Từ Dũ như sau: "Thứ nhất, nếu người dân muốn thực hiện biện pháp triệt sản thì phải làm thủ tục nhập viện và chịu hoàn toàn chi phí thực hiện ca mổ. Sau đó, khi về địa phương, người dân sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng. Thứ hai, dù triệt sản nam hay nữ đều được hỗ trợ bằng nhau, mặc dù triệt sản nữ có phần nguy hiểm hơn và tốn nhiều chi phí hơn".

Thiết nghĩ, PV đã đến phòng tư vấn của bệnh viện thì những hướng dẫn ấy là chính xác. Như vậy, việc thực hiện ấy không theo quyết định chung của UBND TP. ban hành trước đây cũng như mới được phê duyệt lại với một số đổi mới. ở một bệnh viện lớn như vậy mà việc thực hiện quyết định còn chưa rõ ràng thì ở các trung tâm y tế cấp phường xã có thực hiện đúng theo quyết định không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Qua tìm hiểu thực tế, người dân đã tham gia các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình cung cấp mỗi ca thực hiện biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp đặt vòng thì được miễn phí hoàn toàn. Thế nhưng, khi được hỏi có được mổ miễn phí khi thực hiện biện pháp triệt sản thì PV nhận được một cái lắc đầu đầy hoài nghi.

Thực tế, số người sử dụng biện pháp triệt sản để kế hoạch hóa gia đình chiếm rất ít, dù đó là biện pháp hiệu quả và triệt để nhất. Những phiền hà khi thực hiện biện pháp này nhiều hơn hẳn so với các biện pháp khác mà chi phí lại cao, đặc biệt phụ nữ sử dụng biện pháp triệt sản mà muốn có con trở lại sẽ rất khó khăn chứ chưa muốn nói là khó mà có được.

Cô Lê Thị T. (54 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết: "Tôi không dám sử dụng biện pháp triệt sản. Một người bạn của tôi đi triệt sản về khuyên là đừng có đi triệt sản, triệt sản xong thấy bức rứt khó chịu lắm, tính tình cáu gắt thay đổi hẳn. Bây giờ, con gái tôi có đi kế hoạch, tôi cũng khuyên nó đặt vòng hoặc uống thuốc tránh thai thôi chứ triệt sản nguy hiểm lắm"!

Việc ưu tiên và hỗ trợ cho người thực hiện biện pháp này là hợp lý. Tuy nhiên, hỗ trợ có tăng thì cũng không mấy người nồng nhiệt với biện pháp này. Một chiến lược hợp lý nhưng không phù hợp trong bối cảnh mới là một việc làm lãng phí. Nếu TP. không có sự thay đổi tích cực hơn trong chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì rất có thể dân số sẽ lại tăng nhanh trong năm con rồng này.

Ngọc Lài