Theo báo Lao Động, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và cấp cứu một bệnh nhi 3 tuổi trong tình trạng vùng mặt, đầu có nhiều vết rách sâu do chó cắn.
Bệnh nhi khi nhập viện có biểu hiện sốc, hoảng loạn, mất máu và khóc liên tục. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí, cầm máu, hồi sức tích cực và chuyển mổ cấp cứu.
Khi cho bé đi cấp cứu người nhà cho biết khi đang chơi bên nhà hàng xóm đã không may bị con chó của chính gia đình này tấn công.
Bệnh nhi đã được nhập viện phẫu thuật xử trí các tổn thương vùng mặt, đặc biệt khoang miệng của bệnh nhân dập nát phức tạp, vùng tai bên phải có chỗ gần đứt rời. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.
Thông tin trên VTV, theo các bác sĩ, chỉ trong vài tháng gần đây, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận và cấp cứu nhiều bệnh nhân bị chó nuôi tấn công. Đã có những trường hợp trẻ tử vong vì gia đình chủ quan, không đưa bé tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn do cho rằng đó chỉ là vết thương nhỏ, không đáng ngại.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm. Các trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân.
Theo đó các bác sĩ khuyến cáo gia đình nên trông trẻ cẩn thận, nhất là trong đại dịch, khi nhiều nơi thực hiện giãn cách, học sinh nghỉ học... Người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó; chó nuôi phải xích, ra ngoài phải được rọ mõm. Người bị chó cắn cần rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.
Trúc Chi (t/h)