Salwan Momika đốt kinh Koran ở Stockholm (ảnh: Aljazeera)
Hôm 29/6, cảnh sát Thụy Điển đã cho phép Salwan Momika, 37 tuổi, một người di cư từ Iraq sang Thụy Điển, đốt kinh Koran. Hành động của Momika được thực hiện bên ngoài nhà thờ Hồi giáo lớn ở Stockholm, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Trước đó, một tòa án ở Thụy Điển đã bác bỏ quyết định của cảnh sát về việc từ chối cấp phép cho các cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở thủ đô Stockholm.
“Nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm nếu họ cấm chúng tôi làm điều này”, Momika tuyên bố.
Trước sự chứng kiến của nhiều người, Momika giẫm chân lên kinh Koran, đốt cháy vài trang của cuốn kinh và thực hiện một số hành động bị người theo đạo Hồi coi là báng bổ nghiêm trọng.
Hành động của Momika diễn ra trùng thời điểm người Hồi giáo tổ chức lễ Eid al-Adha. Một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm của đạo Hồi.
Nhiều quốc gia đã chỉ trích dữ dội Thụy Điển vì cho phép Momika đốt kinh Koran.
“Đó là hành vi đáng bị xem thường”, ông Hakan Fidan – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ – viết trên Twitter hôm 29/6.
“Không thể chấp nhận khi những hành động chống Hồi giáo này được cho phép, dưới vỏ bọc tự do ngôn luận. Nhắm mắt làm ngơ là đồng lõa”, ông Fidan nhận xét.
Theo Aljazeera, sau vụ việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
Đồng quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc (quốc gia vùng Bắc Phi) đã triệu đại diện ngoại giao của Thụy Điển ở Rabat để bày tỏ “sự lên án mạnh mẽ và phản đối hành động không thể chấp nhận được”, sau vụ kinh Koran bị đốt công khai ở Stockholm.
Cảnh sát Thụy Điển không can thiệp khi Momika đốt kinh Koran (ảnh: Aljazeera)
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ phản đối về vụ việc đốt kinh Koran.
“Đốt các kinh sách tôn giáo là hành động thiếu tôn trọng và gây tổn thương”, ông Vedant Patel – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ – bình luận.
Theo ông Vedant Patel, việc giới chức Thụy Điển không can thiệp khi Momika đốt kinh Koran là “không phù hợp”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn “khuyến khích” Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO “ngay lập tức”.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, vụ việc kinh Koran bị đốt ở Thụy Điển là hành động “khiêu khích và không thể chấp nhận được”.
“Chính phủ và người dân Iran sẽ không dung thứ cho hành động xúc phạm đó”, ông Nasser Kanani – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran – nói.
“Thụy Điển cần nghiêm túc xem xét lại và có trách nhiệm giải trình về vụ việc này, đồng thời ngăn chặn các hành vi xúc phạm thánh tích”, ông Kanani nói.
Cơ quan ngoại giao của các nước Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Yemen, Iraq, Syria và Palestine cũng bày tỏ phản đối khi Thụy Điển cho phép biểu tình đốt kinh Koran.
Moqtada Sadr – giáo sĩ Hồi giáo có ảnh hưởng lớn ở Iraq – kêu gọi người dân nước này biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển để yêu cầu trục xuất Đại sứ Thụy Điển.
Ông Moqtada Sadr gọi Thụy Điển là quốc gia “thù địch với Hồi giáo”.
Vương Nam – Aljazeera