Thụy Điển dự kiến sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 17/5, nhật báo Svenska Dagbladet (Thụy Điển) đưa tin hôm 15/5, trích dẫn một nguồn tin.
Theo nhật báo này, mốc thời gian sẽ phụ thuộc khá nhiều vào Phần Lan.
Theo các chuyên gia của Phần Lan, cuộc tranh luận tại Quốc hội nước này, vốn được lên lịch vào ngày 16/5, có thể bị trì hoãn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Aftonbladet (Thụy Điển) rằng Phần Lan có thể nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5.
"Đại diện thường trực của chúng tôi tại NATO ở Brussels sẽ nộp đơn vào thứ Tư (ngày 18/5). Phái đoàn do Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan dẫn đầu sẽ tham gia các cuộc đàm phán với NATO ", ông Haavisto cho biết.
Đức muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập của 2 nước Bắc Âu
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock hôm 15/5 tuyên bố, Berlin đã chuẩn bị để cho quá trình phê duyệt diễn ra nhanh chóng nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO.
Thời gian phê duyệt thường có thể kéo dài tới một năm.
Nhưng Ngoại trưởng Baerbock cho biết các nhà ngoại giao hàng đầu của NATO nhất trí rằng quá trình này nên được đẩy nhanh để tránh “vùng xám” – thời gian từ khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn cho đến khi họ được phê duyệt để gia nhập liên minh, vì trong khoảng thời gian này các nước Bắc Âu sẽ chưa được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ tập thể của NATO.
"Nếu họ quyết định tham gia, họ có thể gia nhập nhanh chóng... Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho họ; không được có một giai đoạn chuyển tiếp, hay vùng xám, khi mà tình trạng của họ không rõ ràng”, Ngoại trưởng Đức nói với các phóng viên trong ngày thứ hai của cuộc hội đàm với các đối tác NATO tại Berlin.
Ông Mircea Geoana, Phó Tổng thư ký NATO, cho biết ông tin tưởng rằng liên minh sẽ đạt được đồng thuận về sự gia nhập của Phần Lan, Thụy Điển.
Bình luận của ông Geoana được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang bày tỏ lập trường phản đối NATO kết nạp 2 thành viên Bắc Âu, với lý do 2 nước này ủng hộ "các tổ chức khủng bố" như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng dân quân người Kurd YPG ở Syria.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông sẵn sàng thảo luận vấn đề này với cả 2 nước và với các quốc gia NATO khác.
Minh Đức (Theo DW, TASS)